Tóm tắt nội dung Hội thảo chuyên đề ngày 21.03.2025

Thứ hai, 14/04/2025, 23:46 GMT+7

Cập nhật điều trị viêm mũi dị ứng có bệnh phối hợp

Vào chiều ngày 21 tháng 3 năm 2025, trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học Thường niên năm 2025 do Hội Tai Mũi Họng TP.HCM và các tỉnh phía Nam tổ chức, hội thảo chuyên đề “Cập nhật điều trị viêm mũi dị ứng có bệnh phối hợp” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Hội thảo quy tụ các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Tai Mũi Họng và Nhi khoa, với sự tài trợ từ Văn phòng đại diện Menarini Việt Nam và Công ty TNHH Thương mại và Dược phẩm Sang.

Phát biểu khai mạc, GS.TS.BS. Phạm Kiên Hữu, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng TP.HCM và các tỉnh phía Nam, nhấn mạnh rằng viêm mũi dị ứng không chỉ là một bệnh lý khu trú ở đường hô hấp trên mà còn có liên quan chặt chẽ với nhiều bệnh lý phối hợp như hen phế quản, viêm tai giữa, rối loạn giấc ngủ… Việc nhận diện đúng, chẩn đoán sớm và điều trị tối ưu viêm mũi dị ứng đóng vai trò then chốt trong nâng cao hiệu quả điều trị và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.

Trong phần trình bày chuyên môn, BSCKII. Hoàng Quốc Tưởng (Giảng viên Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM) lưu ý rằng tỷ lệ dị ứng ở trẻ em ngày càng gia tăng, phần lớn do các yếu tố môi trường như biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, rối loạn hệ vi sinh đường ruột và chế độ ăn uống. Hiểu biết đầy đủ về “tiến trình dị ứng” sẽ giúp bác sĩ và phụ huynh xây dựng chiến lược phòng ngừa và can thiệp hiệu quả.

Theo BS Tưởng, dị ứng ở trẻ thường bắt đầu từ giai đoạn sơ sinh dưới dạng viêm da cơ địa (chàm sữa), tiếp theo là dị ứng thực phẩm (sữa, trứng, lạc), và sau đó là viêm mũi dị ứng, thậm chí tiến triển thành hen phế quản với các biểu hiện hô hấp như khò khè, ho kéo dài và khó thở. Viêm da cơ địa được xem là điểm khởi đầu trong chuỗi tiến trình dị ứng, có mối liên hệ sinh học mật thiết với dị ứng thực phẩm và các bệnh lý dị ứng hô hấp.

Một số biện pháp can thiệp sớm đã được chứng minh là hiệu quả trong ngăn ngừa tiến triển của dị ứng, bao gồm: Giới thiệu sớm các thực phẩm dễ gây dị ứng như trứng và lạc để tăng khả năng dung nạp;Đa dạng chế độ ăn cho trẻ nhằm hỗ trợ hệ miễn dịch phát triển đúng hướng; Dưỡng ẩm da đúng cách từ sớm, giúp cải thiện hàng rào bảo vệ da và giảm nguy cơ viêm da cơ địa.

Đặc biệt, các nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi có đối chứng đã chứng minh Atopiclair (MAS063DP) là một chất dưỡng ẩm hiệu quả, giúp kiểm soát tốt triệu chứng viêm da cơ địa, với tỷ lệ điều trị thành công lên đến 80%, đồng thời giảm đáng kể nhu cầu sử dụng corticosteroid trong các đợt cấp. Sản phẩm này được Hội Da liễu và Hội Nhi khoa Việt Nam khuyến cáo sử dụng nhờ tính an toàn, hiệu quả lâu dài, và có hoạt tính kháng viêm, giảm ngứa rõ rệt.

BS Tưởng cũng lưu ý rằng do viêm da cơ địa và dị ứng thực phẩm có mối liên quan chặt chẽ, nên cần thận trọng khi sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm chứa chiết xuất từ dị nguyên thực phẩm (như bơ, lúa mạch) ở trẻ có tiền sử dị ứng nặng.

Xu hướng gia tăng các bệnh dị ứng ở trẻ em đòi hỏi bác sĩ lâm sàng cần có chiến lược toàn diện, từ dự phòng đến điều trị. Viêm da cơ địa là “mắt xích” đầu tiên trong tiến trình dị ứng, và mức độ nặng, thời điểm khởi phát của nó có thể tiên lượng nguy cơ mắc các bệnh dị ứng tiếp theo như dị ứng thực phẩm, viêm mũi dị ứng và hen. Một số biện pháp có thể góp phần giảm nguy cơ dị ứng trong tương lai bao gồm:Khuyến khích sinh thường và nuôi con bằng sữa mẹ;Hạn chế sử dụng kháng sinh trong thai kỳ;Hỗ trợ hệ miễn dịch và hệ vi sinh đường ruột;Tránh ô nhiễm môi trường;Lựa chọn sản phẩm chăm sóc da an toàn, có bằng chứng khoa học rõ ràng..

Video đầy đủ bài trình bày tại đây: LINK

Tiếp theo chương trình, TS.BSCK2. Phạm Đình Nguyên, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Nhi TP.HCM đã trình bày đề tài “Viêm mũi dị ứng và ho ở trẻ em”. Bài báo cáo để phân tích chuyên sâu và hệ thống mối liên hệ giữa viêm mũi dị ứng và ho kéo dài ở trẻ – hai biểu hiện lâm sàng thường gặp nhưng thường bị xử lý rời rạc trong thực hành nhi khoa.

Mở đầu bài trình bày, TS.BSCKII. Nguyên đặt vấn đề từ thực trạng: ho kéo dài là một trong những lý do phổ biến khiến phụ huynh đưa trẻ đi khám, nhưng phần lớn các can thiệp ban đầu chỉ dừng ở điều trị triệu chứng, thiếu sự phân tích nguyên nhân nền. Trên thực tế, không ít trẻ được điều trị lặp đi lặp lại bằng kháng sinh, thuốc giảm ho hay kháng viêm không steroid mà không đạt hiệu quả lâu dài, dẫn đến nguy cơ biến chứng, lệ thuộc thuốc và tăng gánh nặng y tế.

Trong bối cảnh đó, hội chứng ho do đường hô hấp trên (Upper Airway Cough Syndrome – UACS) được nêu bật như một nguyên nhân quan trọng, nhưng thường bị bỏ sót do biểu hiện không đặc hiệu và dễ nhầm lẫn với viêm hô hấp tái phát. TS.BSCKII. Nguyên nhấn mạnh rằng UACS không phải là một chẩn đoán tạm thời, mà là một thực thể bệnh lý có cơ chế rõ ràng, trong đó viêm mũi dị ứng là tác nhân khởi phát phổ biến nhất.

Không giống như các bệnh lý nhiễm trùng cấp tính, viêm mũi dị ứng có biểu hiện âm ỉ, kéo dài và phụ thuộc vào mức độ tiếp xúc với dị nguyên, từ đó gây ra tình trạng viêm mạn tính tại niêm mạc mũi – hầu. Quá trình viêm này dẫn đến hiện tượng tăng tiết nhầy, chảy dịch mũi sau và kích thích vùng hầu họng – một cơ chế quan trọng kích hoạt và duy trì phản xạ ho kéo dài ở trẻ. Ngoài cơ chế cơ học này, bác sĩ Nguyên cũng đề cập đến cơ chế thần kinh: tình trạng viêm làm tăng nhạy cảm các thụ thể ho ở vùng hầu họng thông qua kích thích dây V1 của thần kinh sinh ba, dẫn đến phản xạ ho kéo dài dai dẳng, ngay cả khi không còn yếu tố nhiễm trùng.

Việc chẩn đoán ho do viêm mũi dị ứng, do đó, không thể chỉ dựa vào hình ảnh học hay xét nghiệm đơn thuần, mà đòi hỏi bác sĩ phải có cái nhìn tổng thể: từ khai thác tiền sử dị ứng, nhận diện các triệu chứng gợi ý (chảy mũi trong, ngứa mũi, ho về đêm, không sốt...), đến đánh giá hiệu quả của điều trị thử với các thuốc kháng viêm niêm mạc mũi. Đáng chú ý, sự cải thiện rõ rệt của triệu chứng ho sau khi kiểm soát tốt viêm mũi dị ứng chính là một dấu hiệu xác định nguyên nhân – đồng thời là một minh chứng lâm sàng thuyết phục cho mối liên hệ nhân quả giữa hai tình trạng này.

Trong chiến lược điều trị, TS.BSCKII. Nguyên nhấn mạnh vai trò trung tâm của kháng histamine thế hệ 2. Đây là nhóm thuốc có tác dụng kháng dị ứng chọn lọc, ít thấm qua hàng rào máu não, hạn chế buồn ngủ và ảnh hưởng thần kinh trung ương – những yếu tố đặc biệt quan trọng khi dùng cho trẻ em. Tuy nhiên, giữa nhiều lựa chọn sẵn có, bilastine nổi bật bởi sự cân bằng giữa hiệu quả, an toàn và tiện lợi.Không mang dáng dấp của một thuốc “đa tác dụng” hoặc “tác động nhanh chóng” như các biệt dược thường được quảng bá quá mức, bilastine thể hiện giá trị của mình một cách chừng mực nhưng bền vững: tác dụng chọn lọc cao trên thụ thể H1, không chuyển hóa qua gan – giảm nguy cơ tương tác thuốc, và đặc biệt không gây buồn ngủ nhờ không vượt qua hàng rào máu não. Với thời gian tác dụng kéo dài 24 giờ sau một liều duy nhất, bilastine đáp ứng được yêu cầu kiểm soát triệu chứng suốt ngày trong khi vẫn đảm bảo mức độ tuân thủ cao ở nhóm trẻ nhỏ – những bệnh nhân thường gặp khó khăn trong việc dùng thuốc nhiều lần mỗi ngày.

Bên cạnh đó, TS.BSCKII. Nguyên cũng lưu ý rằng mặc dù bilastine không trực tiếp làm giảm ho theo cơ chế ức chế trung tâm ho, nhưng qua việc kiểm soát hiệu quả viêm mũi dị ứng – nguyên nhân nền của UACS – thuốc góp phần đáng kể vào việc làm giảm tần suất và mức độ ho kéo dài. Tác dụng này tuy mang tính gián tiếp nhưng có giá trị lâm sàng rõ rệt, đặc biệt ở những trẻ không đáp ứng với các phác đồ ho thông thường.

Bài trình bày khép lại với một thông điệp quan trọng: hiểu đúng – chẩn đoán sớm – điều trị trúng đích là ba yếu tố không thể tách rời trong kiểm soát ho mạn tính ở trẻ. Trong đó, viêm mũi dị ứng cần được nhìn nhận không chỉ như một rối loạn tại chỗ, mà là một mắt xích trung tâm trong chuỗi bệnh lý hô hấp mạn tính, từ UACS đến hen phế quản. Việc lựa chọn các công cụ điều trị phù hợp như bilastine – một thuốc kháng histamine thế hệ mới có bằng chứng lâm sàng rõ ràng, an toàn và hiệu quả – sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu kiểm soát bệnh bền vững, đồng thời nâng cao chất lượng sống cho trẻ và giảm gánh nặng điều trị cho gia đình và hệ thống y tế.

Video đầy đủ bài trình bày tại đây: LINK

Nối tiếp chương trình, PGS.TS.Lê Công Định, Trưởng khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Bạch Mai, Phó chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã trình bày một tổng quan chuyên sâu, cập nhật và có hệ thống về viêm mũi dị ứng (VMDƯ), không chỉ dưới góc nhìn của một bệnh dị ứng khu trú đường hô hấp trên, mà như một rối loạn miễn dịch mạn tính toàn thân có liên quan chặt chẽ với nhiều bệnh lý phối hợp. Phần trình bày được đánh giá cao về chiều sâu khoa học và tính ứng dụng lâm sàng thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh y học hiện đại ngày càng nhấn mạnh tính liên chuyên khoa và điều trị cá thể hóa.

PGS. Định mở đầu bằng việc cập nhật dữ liệu dịch tễ học toàn cầu cho thấy, viêm mũi dị ứng hiện ảnh hưởng tới khoảng 15–30% dân số thế giới, với tỷ lệ đặc biệt cao ở nhóm trẻ từ 13–14 tuổi (ước tính 35%). Điều đáng lưu ý là phần lớn các bệnh nhân, đặc biệt ở lứa tuổi nhi, không mắc viêm mũi dị ứng đơn thuần mà có tình trạng bệnh phối hợp đi kèm. Ước tính, khoảng 75% trẻ em và phần lớn người lớn bị viêm mũi dị ứng có ít nhất một bệnh lý liên quan, và con số này đang tiếp tục gia tăng do thay đổi môi trường, đô thị hóa và biến đổi khí hậu.

Khác với tiếp cận phân mảnh trước đây, các hướng dẫn hiện nay như ARIA (Allergic Rhinitis and its Impact on Asthma), GINA, và EPOS đều thống nhất xem viêm mũi dị ứng là một phần trong “liên kết bệnh lý dị ứng”, với nền tảng là tình trạng viêm niêm mạc do IgE trung gian, tác động đồng thời trên nhiều cơ quan như đường hô hấp dưới (hen), da (viêm da cơ địa), niêm mạc mắt (viêm kết mạc dị ứng), niêm mạc miệng (hội chứng dị ứng khoang miệng), tai giữa (viêm tai tiết dịch) và hệ tiêu hóa (dị ứng thức ăn). Bên cạnh đó, những thay đổi cấu trúc vùng mũi xoang như cuốn mũi dưới quá phát, VA quá phát, viêm xoang mạn có polyp, hội chứng ngưng thở khi ngủ (OSA) cũng thường gặp ở bệnh nhân viêm mũi dị ứng nặng kéo dài.

Một trong những điểm mấu chốt được PGS. Định phân tích là mối tương tác lâm sàng hai chiều giữa viêm mũi dị ứng và các bệnh phối hợp. Không chỉ là tình trạng đồng mắc, viêm mũi dị ứng có thể làm nặng thêm tiến trình bệnh lý của hen, viêm tai giữa, OSA và ngược lại, tạo nên một vòng xoắn bệnh lý nếu không được kiểm soát đúng mức. Ví dụ, viêm mũi dị ứng làm tăng đề kháng đường thở trên, từ đó làm nặng thêm triệu chứng ngáy và ngưng thở khi ngủ ở trẻ. Viêm niêm mạc mũi liên tục cũng gây tắc nghẽn vòi nhĩ, dẫn đến viêm tai tiết dịch tái phát. Ngoài ra, bệnh nhân có viêm xoang mạn tính có polyp thường đồng mắc VMDƯ với tỉ lệ cao, và việc kiểm soát triệu chứng VMDƯ đóng vai trò hỗ trợ hiệu quả trong điều trị các tình trạng này.

Trong điều trị, kháng histamine thế hệ 2 tiếp tục được khẳng định là lựa chọn đầu tay ở tất cả các mức độ viêm mũi dị ứng, với bằng chứng lâm sàng và dịch tễ vững chắc. Trong đó, bilastine là một đại diện điển hình nhờ tính chọn lọc cao đối với thụ thể H1 ngoại biên, không thấm hàng rào máu não, và không chuyển hóa qua gan – các đặc điểm dược lý học giúp làm giảm thiểu tối đa nguy cơ an thần, tương tác thuốc và tác dụng không mong muốn ở cả trẻ em và người lớn.

Dữ liệu từ các nghiên cứu pha III kéo dài tại Nhật Bản cho thấy bilastine không chỉ kiểm soát hiệu quả các triệu chứng mũi (ngứa, chảy, nghẹt) mà còn cải thiện đáng kể các biểu hiện mắt (ngứa, đỏ, chảy nước mắt) ở bệnh nhân viêm mũi dị ứng theo mùa và quanh năm, với hiệu quả duy trì ổn định lên tới 52 tuần. Trên bệnh nhi, bilastine 10mg không gây khác biệt về tác dụng phụ so với giả dược, chứng minh tính an toàn vượt trội, đặc biệt trong bối cảnh viêm mũi dị ứng thường cần điều trị kéo dài và tái điều trị nhiều lần trong năm. Những đặc điểm này khiến bilastine trở thành một giải pháp điều trị bền vững, đặc biệt ở nhóm bệnh nhân có đồng mắc như hen, viêm tai tiết dịch, viêm xoang hoặc OSA, nơi mà thuốc kháng histamine thế hệ cũ hoặc an thần có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ, khả năng học tập hoặc nguy cơ tương tác thuốc.

Một điểm sáng khác trong bài trình bày là tổng kết hiệu quả điều trị phối hợp. Dựa trên dữ liệu phân tích hệ thống và khuyến cáo ARIA mới nhất, việc sử dụng kháng histamine đường uống kết hợp corticoid xịt mũi có khả năng kiểm soát tới 7/9 bệnh phối hợp thường gặp liên quan viêm mũi dị ứng. Trong khi đó, thuốc đối kháng leukotriene hiệu quả với 3/9 bệnh, chủ yếu là hen, viêm kết mạc dị ứng và viêm mũi xoang mạn tính có polyp. Liệu pháp miễn dịch đặc hiệu (AIT) cũng được nhấn mạnh như một hướng điều trị sinh học có khả năng điều chỉnh tiến trình bệnh, đặc biệt ở bệnh nhân có hen đi kèm VMDƯ không đáp ứng tối ưu với điều trị triệu chứng.

Cuối cùng, PGS. Định nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của các biện pháp phẫu thuật hỗ trợ, bao gồm nạo VA, đặt ống thông khí màng nhĩ, phẫu thuật chỉnh hình cuốn mũi dưới hoặc hủy thần kinh mũi sau trong những trường hợp VMDƯ phối hợp bất thường cấu trúc giải phẫu. Tuy nhiên, để quyết định phẫu thuật, cần có đánh giá toàn diện và phối hợp liên chuyên khoa giữa Tai Mũi Họng – Hô hấp – Dị ứng miễn dịch – Nhi khoa, nhằm lựa chọn chiến lược tối ưu hóa điều trị cho từng bệnh nhân.

Viêm mũi dị ứng là một bệnh lý đa cơ quan, có biểu hiện phức tạp và thường đi kèm nhiều bệnh phối hợp. Việc hiểu đúng bản chất “hội chứng” của viêm mũi dị ứng và tiếp cận điều trị theo hướng tổng thể, cá thể hóa sẽ giúp tối ưu hiệu quả điều trị. Trong bối cảnh đó, bilastine – với hồ sơ dược lý học rõ ràng, hiệu quả đã được chứng minh và mức độ an toàn cao – là một lựa chọn điều trị bền vững, đặc biệt khi cần phối hợp đa thuốc hoặc điều trị trên bệnh nhân có bệnh lý phối hợp mạn tính.

Video đầy đủ bài trình bày tại đây: LINK

Tiếp nối phần trình bày, phiên thảo luận do GS.TS.BS. Phạm Kiên Hữu – Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chủ trì, đã tập trung giải đáp các câu hỏi xoay quanh những thách thức trong chẩn đoán và điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em có bệnh phối hợp, nhận được sự tương tác tích cực từ người tham dự.

Câu hỏi 1: Phân biệt viêm mũi dị ứng đơn thuần và viêm mũi dị ứng có hen phế quản?

PGS.TS.BS. Lê Công Định: Viêm mũi dị ứng (VMDƯ) đơn thuần là bệnh lý viêm niêm mạc mũi do phản ứng quá mẫn, biểu hiện chủ yếu bằng hắt hơi, ngứa mũi, chảy mũi trong và nghẹt mũi, khu trú ở đường hô hấp trên. Trong khi đó, VMDƯ kèm hen phế quản không chỉ có triệu chứng tại mũi mà còn kèm theo ho, khò khè, khó thở và cảm giác nặng ngực, biểu hiện sự tham gia của đường hô hấp dưới. Sự hiện diện của triệu chứng hô hấp dưới là yếu tố phân biệt chính giữa hai thể bệnh. Việc kiểm soát tốt VMDƯ có vai trò quan trọng trong phòng ngừa và cải thiện triệu chứng hen, do mối liên quan bệnh sinh chặt chẽ giữa hai tình trạng này.

Câu hỏi 2:Trong chẩn đoán phân biệt ho do viêm mũi dị ứng và ho do hen phế quản, yếu tố nào quan trọng nhất?

TS.BSCKII. Phạm Đình Nguyên: Trong việc phân biệt ho do viêm mũi dị ứng và ho do hen phế quản, việc đánh giá kỹ lưỡng các đặc điểm lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm chức năng hô hấp đóng vai trò quan trọng. Ho liên quan đến VMDƯ thường là ho khan, xuất hiện khi tiếp xúc với dị nguyên và đi kèm với các triệu chứng như hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mũi trong, nhưng không có dấu hiệu của khó thở hay khò khè. Ngược lại, ho do hen phế quản có thể xảy ra cả ban ngày và ban đêm, thường kèm theo khò khè, khó thở và cảm giác nặng ngực. Để xác định chính xác nguyên nhân ho, đo chức năng hô hấp như spirometry là cần thiết; sự giảm FEV₁ và cải thiện sau khi sử dụng thuốc giãn phế quản gợi ý hen phế quản. Ngoài ra, xét nghiệm đo nồng độ nitric oxide trong khí thở ra (FeNO) cũng có thể hỗ trợ trong việc đánh giá viêm đường thở liên quan đến hen. Do đó, kết hợp đánh giá triệu chứng lâm sàng với các xét nghiệm cận lâm sàng giúp phân biệt hiệu quả ho do VMDƯ và ho do hen phế quản, từ đó định hướng điều trị phù hợp

Câu hỏi 3: Biện pháp nào giúp giảm nguy cơ tiến triền từ viêm da cơ địa sang dị ứng thực phẩm?

BSCKII. Hoàng Quốc Tưởng: Để giảm nguy cơ tiến triển từ viêm da cơ địa (VDCĐ) sang dị ứng thực phẩm, yếu tố cốt lõi là duy trì hàng rào bảo vệ da và điều hòa đáp ứng miễn dịch ngay từ giai đoạn sớm. Nhiều bằng chứng cho thấy rằng kiểm soát tốt VDCĐ bằng cách sử dụng thường xuyên chất làm mềm da và điều trị viêm da chủ động giúp ngăn chặn sự thâm nhập của dị nguyên qua da, một cơ chế then chốt trong mẫn cảm dị ứng theo "giả thuyết cửa ngõ qua da" (skin barrier hypothesis). Đồng thời, việc giới thiệu sớm các thực phẩm dễ gây dị ứng như đậu phộng và trứng vào chế độ ăn của trẻ từ 4–6 tháng tuổi, dưới sự theo dõi y tế, có thể thúc đẩy dung nạp miễn dịch thay vì loại bỏ sớm, vốn làm tăng nguy cơ dị ứng sau này. Ngoài ra, cần tránh việc loại bỏ thực phẩm không có chỉ định vì điều này có thể làm suy giảm khả năng dung nạp đường tiêu hóa. Do đó, chiến lược phòng ngừa hiệu quả cần kết hợp cả kiểm soát viêm da chủ động, bảo vệ hàng rào da và can thiệp dinh dưỡng hợp lý, dựa trên hướng dẫn cập nhật gần đây của các hiệp hội chuyên ngành về dị ứng và miễn dịch học

Câu hỏi 4: Làm thế nào hạn chế sự rối loạn hệ vi khuẩn thường trú ở ruột có thể gây ra bệnh cho trẻ?

BSCKII. Hoàng Quốc Tưởng: Để hạn chế sự rối loạn hệ vi khuẩn thường trú ở ruột (gut dysbiosis) – một yếu tố có thể góp phần gây ra nhiều bệnh lý dị ứng, viêm hoặc chuyển hóa ở trẻ em – cần triển khai các chiến lược nuôi dưỡng hệ vi sinh đường ruột ngay từ giai đoạn sớm. Nuôi con bằng sữa mẹ là nền tảng quan trọng, vì sữa mẹ cung cấp vi khuẩn có lợi như Bifidobacterium cùng các oligosaccharide có vai trò như prebiotics, giúp duy trì hệ sinh thái vi khuẩn đường ruột lành mạnh. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, chế độ ăn đa dạng và giàu chất xơ từ rau củ, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt tiếp tục hỗ trợ sự đa dạng vi sinh và điều hòa miễn dịch niêm mạc ruột. Việc sử dụng kháng sinh cần được hạn chế và chỉ thực hiện khi có chỉ định chính xác, vì kháng sinh phổ rộng có thể gây mất cân bằng nghiêm trọng hệ vi sinh vật đường ruột. Trong một số trường hợp, đặc biệt sau khi dùng kháng sinh hoặc có yếu tố nguy cơ cao, việc bổ sung probiotics và prebiotics đã được chứng minh có hiệu quả trong việc phục hồi cân bằng hệ vi sinh. Ngoài ra, yếu tố lối sống như tăng cường hoạt động thể chất và tiếp xúc với môi trường tự nhiên cũng góp phần làm phong phú hệ vi sinh vật, từ đó hỗ trợ phát triển hệ miễn dịch khỏe mạnh

Câu hỏi 5: Việc bảo vệ da có vai trò thế nào trong việc ngăn chặn tiến trình dị ứng trong tương lai?

BSCKII. Hoàng Quốc Tưởng: Việc bảo vệ và duy trì chức năng hàng rào da đóng vai trò then chốt trong việc ngăn chặn tiến trình dị ứng trong tương lai, đặc biệt là trong phòng ngừa viêm da cơ địa (VDCĐ) và các bệnh dị ứng liên quan. Hàng rào da khỏe mạnh hoạt động như một lá chắn, ngăn chặn sự xâm nhập của các dị nguyên và vi sinh vật gây hại. Khi hàng rào này bị suy yếu, da trở nên dễ thấm hơn, tạo điều kiện cho các dị nguyên xâm nhập, kích hoạt hệ miễn dịch và dẫn đến phản ứng dị ứng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng chất làm mềm da (emollients) từ sớm giúp củng cố hàng rào da, giảm nguy cơ phát triển VDCĐ ở trẻ sơ sinh có nguy cơ cao. Cụ thể, một nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị thường niên năm 2023 của Hiệp hội Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch học Hoa Kỳ (AAAAI) cho thấy việc áp dụng chất làm mềm da hàng ngày trong hai tháng đầu đời có thể giảm tỷ lệ mắc VDCĐ trong năm đầu tiên ở trẻ sơ sinh mang đột biến mất chức năng filaggrin (FLG), một yếu tố nguy cơ di truyền mạnh mẽ cho VDCĐ. Ngoài ra, việc duy trì hàng rào da còn giúp ngăn chặn "hành trình dị ứng" (atopic march), một quá trình trong đó VDCĐ tiến triển thành các bệnh dị ứng khác như dị ứng thực phẩm, hen suyễn và viêm mũi dị ứng. Do đó, chiến lược bảo vệ và tăng cường chức năng hàng rào da thông qua việc sử dụng chất làm mềm da và chăm sóc da thích hợp không chỉ giúp phòng ngừa VDCĐ mà còn có thể giảm nguy cơ phát triển các bệnh dị ứng khác trong tương lai

Câu hỏi 6: Khi nào cần nội soi mũi xoang để đánh giá ho do viêm mũi dị ứng ở trẻ em?

TS.BSCKII. Phạm Đình Nguyên và PGS.TS.BS. Lê Công Định: Nội soi mũi xoang là kỹ thuật thường quy trong thăm khám Tai Mũi Họng, đặc biệt khi có nghi ngờ viêm mũi xoang hoặc các bệnh lý mũi xoang phối hợp. trong bối cảnh ho kéo dài không rõ nguyên nhân, không đáp ứng điều trị phù hợp, trọng tâm nên chuyển sang đánh giá đường hô hấp dưới, trong đó nội soi phế quản đóng vai trò quan trọng nhằm loại trừ các nguyên nhân như dị vật đường thở, bất thường cấu trúc phế quản, hoặc nhiễm trùng dai dẳng. Ngoài khả năng quan sát trực tiếp, nội soi phế quản còn cho phép lấy dịch rửa phế quản – phế nang (BAL) để xét nghiệm, cấy tìm tác nhân gây bệnh, đặc biệt hữu ích trong các trường hợp ho ướt mạn tính hoặc khi nghi ngờ bệnh lý viêm phổi do vi khuẩn không điển hình. Theo hướng dẫn của ERS năm 2023 và các nghiên cứu gần đây, việc cá thể hóa chỉ định nội soi dựa trên đặc điểm ho, thời gian kéo dài, và đáp ứng điều trị là nguyên tắc lâm sàng then chốt nhằm tối ưu hóa hiệu quả chẩn đoán mà không can thiệp quá mức

Câu hỏi 7: Những yếu tố nào cần cân nhắc khi lựa chọn thuốc điều trị viêm mũi dị ứng cho trẻ em?

TS.BSCKII. Phạm Đình Nguyên: Khi lựa chọn thuốc điều trị viêm mũi dị ứng (VMDƯ) cho trẻ em, cần cân nhắc nhiều yếu tố lâm sàng và dược lý nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị và an toàn cho bệnh nhi. Trước hết, độ tuổi là yếu tố quyết định trong việc lựa chọn hoạt chất và liều dùng phù hợp. Mặc dù một số kháng histamine thế hệ 2 có thể dùng cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Tuy nhiên đa số các chuyên gia đều đồng thuận rằng không nên sử dụng kháng histamine cho trẻ dưới 2 tuổi trừ trường hợp thật sự cần thiết. Bên cạnh đó, dạng bào chế cũng cần được cá thể hóa theo độ tuổi và khả năng hợp tác của trẻ. Trẻ nhỏ thường thích hợp với dạng siro, trong khi trẻ lớn hơn (từ khoảng 6 tuổi) có thể dùng viên nhai hoặc viên tan trong miệng, giúp giảm sự nhàm chán và cải thiện tuân thủ điều trị. Ngoài ra, ưu tiên lựa chọn các thuốc có thời gian tác dụng kéo dài, dùng một lần mỗi ngày giúp cải thiện sự tiện lợi và đảm bảo nồng độ thuốc ổn định trong suốt 24 giờ, đồng thời hạn chế quên liều. Việc phối hợp chặt chẽ giữa yếu tố tuổi, dạng dùng, thời gian tác dụng và đặc tính dược lý của từng thuốc sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng sống cho trẻ bị viêm mũi dị ứng.

PGS.TS.BS. Lê Công Định bổ sung rằng kháng histamin đóng vai trò trọng yếu trong điều trị viêm mũi dị ứng cũng như nhiều bệnh lý dị ứng phối hợp thường gặp ở trẻ. Tuy nhiên, trong thực hành lâm sàng nhi khoa, ngoài hiệu quả và độ an toàn, khả năng chấp nhận của trẻ đối với thuốc là yếu tố quyết định đến mức độ tuân thủ. Các đặc điểm như hương vị dễ chịu, thời gian tác dụng kéo dài và dạng bào chế tiện dụng sẽ hỗ trợ quá trình điều trị duy trì lâu dài. Đặc biệt, với nhóm bệnh nhân nhỏ tuổi, việc lựa chọn thuốc có dạng bào chế thân thiện như viên ngậm tan trong miệng với mùi vị trái cây tự nhiên (như dâu hoặc nho) sẽ giúp cải thiện sự hợp tác trong quá trình dùng thuốc hàng ngày. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh điều trị viêm mũi dị ứng thường mang tính chất kéo dài, đòi hỏi sự tuân thủ cao để đạt hiệu quả tối ưu và hạn chế nguy cơ tái phát hoặc biến chứng.

Câu hỏi 8: Có nên sử dụng Bilastine cho trẻ dưới 6 tuổi hay không?

BSCKII. Hoàng Quốc Tưởng: tại Việt Nam, Bilastine được chỉ định cho trẻ từ 6 tuổi. Tuy nhiên theo báo cáo ở Hội nghị hen- dị ứng- miễn dịch châu Á vừa qua, đã có những nghiên cứu cho trẻ từ 2 tuổi đã được trình bày nên trong tương lai có thể được chỉ định cho trẻ từ 2 tuổi ở Việt Nam.

TS.BSCKII. Phạm Đình Nguyên: Hiện tại Bilastine được  Bộ Y tế  cấp phép  cho trẻ từ 6 tuổi tại Việt Nam. Tuy nhiên ở một số nước châu Âu, Bilastine đã được chấp thuận cho trẻ từ 2 tuổi.

Câu hỏi 9: Khi nào cần phẫu thuật nạo VA, chỉnh hình cuốn mũi, hủy thần kinh Vidian trong điều trị viêm mũi dị ứng có bệnh phối hợp?

PGS.TS.BS. Lê Công Định: Ở  những trường hợp VMDƯ mức độ vừa đến nặng, kéo dài dai dẳng, việc kiểm tra các bệnh phối hợp là thiết yếu, đặc biệt là đánh giá VA bằng nội soi mũi với ống soi 2.7mm ở trẻ em. Khi phát hiện VA phì đại độ 3–4 gây tắc nghẽn mũi kéo dài hoặc ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, hô hấp và đáp ứng điều trị nội khoa kém, chỉ định nạo VA thường được đặt ra nhằm cải thiện thông khí và hỗ trợ kiểm soát triệu chứng VMDƯ. Các chỉ định khác như chỉnh hình cuốn mũi hay hủy thần kinh Vidian thường dành cho những ca VMDƯ kháng trị, có biến dạng cấu trúc mũi hoặc rối loạn vận mạch nặng không đáp ứng với điều trị nội khoa tối ưu, và nên được đánh giá bởi chuyên gia Tai Mũi Họng chuyên sâu.

TS.BSCKII. Phạm Đình Nguyên: Đồng thuận với quan điểm của PGS.Lê Công Định, đã lưu ý, trong điều trị viêm mũi dị ứng (VMDƯ) có bệnh phối hợp ở trẻ em, chỉ định can thiệp ngoại khoa như nạo VA, chỉnh hình cuốn mũi hay hủy thần kinh Vidian cần được đặt ra thận trọng và dựa trên đánh giá toàn diện lâm sàng cũng như đáp ứng điều trị nội khoa. Trước khi can thiệp phẫu thuật, cần ưu tiên điều trị nội khoa tối ưu bằng kháng histamin thế hệ hai và corticosteroid xịt mũi, đồng thời theo dõi đáp ứng sau mỗi 4 tuần. Nếu trẻ cải thiện triệu chứng, tiếp tục duy trì phác đồ điều trị là lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, ở những trẻ có cơ địa dị ứng, quá sản VA thường là tình trạng đi kèm, và việc cân nhắc chỉ định nạo VA cần dựa vào độ tuổi cũng như giai đoạn phát triển của VA – khi VA đang trong giai đoạn phì đại thì trì hoãn điều trị có thể làm giảm hiệu quả can thiệp, trong khi ở giai đoạn thoái triển sinh lý (thường sau 6–7 tuổi), có thể xem xét trì hoãn phẫu thuật để tránh can thiệp không cần thiết.

GS.TS.BS. Phạm Kiên Hữu: Chỉ chỉ định phẫu thuật khi triệu chứng nặng như nghẹt mũi, mất ngủ, nhức đầu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Phẫu thuật chỉ giải quyết được triệu chứng tắc nghẽn, còn vấn đề dị ứng sẽ không giải quyết được.

Câu hỏi 10:  Cách điều trị hiệu quả triệu chứng chảy dịch mũi sau ở trẻ em bị viêm mũi dị ứng?

TS.BSCKII. Phạm Đình Nguyên:  việc điều trị hiệu quả chảy dịch mũi sau trước hết phải bắt đầu từ quản lý VMDƯ một cách toàn diện, trong đó bước đầu tiên là các biện pháp không dùng thuốc như vệ sinh mũi bằng dung dịch ưu trương hoặc đẳng trương để loại bỏ dị nguyên, chất nhầy và bụi bẩn. Sau đó, cần tiến hành điều trị nội khoa đúng phác đồ với kháng histamin thế hệ hai dạng uống kết hợp corticoid xịt mũi tại chỗ ở liều chuẩn, đồng thời đánh giá lại đáp ứng lâm sàng sau mỗi 4 tuần để điều chỉnh phác đồ kịp thời.

PGS.TS.BS. Lê Công Định: VMDƯ ở trẻ thường biểu hiện bằng các triệu chứng điển hình như ngứa mũi, hắt hơi, nghẹt mũi và chảy nước mũi trước, trong khi biểu hiện chảy dịch mũi sau (postnasal drip) không phải là triệu chứng đặc trưng hàng đầu. Trẻ có biểu hiện khịt khạc đờm kéo dài thường gợi ý đến tình trạng viêm mũi xoang mạn hoặc bệnh phối hợp khác, hơn là chỉ đơn thuần do VMDƯ. Do đó, trong những trường hợp này, cần đánh giá kỹ lưỡng để loại trừ hoặc điều trị bệnh lý viêm xoang kèm theo, đặc biệt khi trẻ có triệu chứng kéo dài, dịch mũi đục hoặc hôi, hoặc có biểu hiện viêm đường hô hấp dưới thứ phát. Việc phân biệt đúng nguyên nhân sẽ giúp lựa chọn điều trị đích xác và tránh sử dụng thuốc không cần thiết.

Câu 11:Vai trò của kháng histamin trong hen phế quản là gì?

PGS.TS.BS. Lê Công Định: mặc dù cơ chế bệnh sinh của VMDƯ chủ yếu liên quan đến histamin, còn hen phế quản thiên về phản ứng viêm qua trung gian leukotrien và các tế bào viêm mạn tính khác, nên trong điều trị hen, kháng histamin không giữ vai trò chủ đạo như trong VMDƯ. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân mắc đồng thời cả VMDƯ và hen phế quản, việc kiểm soát tốt VMDƯ bằng kháng histamin có thể cải thiện triệu chứng mũi như ngứa, nghẹt mũi và hắt hơi, qua đó gián tiếp cải thiện kiểm soát hen nhờ giảm phản ứng viêm toàn bộ hệ thống hô hấp.

TS.BSCKII. Phạm Đình Nguyên: Theo thuyết thống nhất một đường thở, viêm mũi dị ứng và hen phế quản có mối liên hệ chặt chẽ. Khi dùng kháng histamin để quản lý tốt viêm mũi dị ứng thì sẽ giúp ngăn chặn yếu tố kích phát hen. Một số nghiên cứu cho thấy khi sử dụng một số kháng histamin trong điều trị viêm mũi dị ứng sẽ giảm tần suất xảy ra hen. Dùng kháng histamin thế hệ cũ làm khô đàm, làm ảnh hưởng tới hen. Những kháng histamin loại mới không chống chỉ định hen.

GS.TS.BS. Phạm Kiên Hữu: theo thuyết một đường thở, khi viêm mũi xoang, polyp mũi, thậm chí có hen kèm theo, nếu cắt polyp mũi thì hen cũng hạ bậc, do đó khi điều trị viêm mũi dị ứng giúp giảm bớt dịch tiết, hóa chất trung gian do đó sẽ giúp hạ bậc hen.

Mặc dù có rất nhiều đại biểu đặt câu hỏi, tuy nhiên do thời gian có hạn, trong phiên toạ đàm chưa thể giải đáp tất cả các thắc mắc đã đặt ra. Sau đây là một số câu hỏi người tham dự đã gửi đến Ban tổ chức sau khi Hội thảo kết thúc:

Câu 12: Lựa chọn điều trị nào ưu tiên cho bệnh nhân viêm mũi dị ứng có viêm kết mạc dị ứng kèm theo?

TS.BSCKII.Phạm Đình Nguyên: Ở bệnh nhân viêm mũi dị ứng (VMDƯ) có viêm kết mạc dị ứng kèm theo, lựa chọn điều trị ưu tiên cần đảm bảo hiệu quả kiểm soát đồng thời cả triệu chứng mũi và mắt, đồng thời tối ưu hóa tính an toàn và tuân thủ điều trị. Kháng histamin đường uống thế hệ hai là lựa chọn đầu tay nhờ hiệu quả giảm nhanh các triệu chứng như hắt hơi, ngứa mũi, chảy mũi, đồng thời có tác dụng toàn thân giúp cải thiện tình trạng ngứa mắt, đỏ mắt và chảy nước mắt – các biểu hiện điển hình của viêm kết mạc dị ứng. Trong những trường hợp có triệu chứng kết mạc nổi bật hoặc dai dẳng, có thể phối hợp thêm thuốc nhỏ mắt kháng histamin hoặc ổn định dưỡng bào (mast cell stabilizers) như olopatadine hoặc ketotifen, giúp kiểm soát triệu chứng tại chỗ nhanh chóng và hiệu quả hơn. Corticoid xịt mũi tại chỗ vẫn giữ vai trò trung tâm trong điều trị VMDƯ trung bình đến nặng, nhưng cần lưu ý rằng các corticoid này không có tác dụng trực tiếp lên triệu chứng kết mạc, nên việc phối hợp là cần thiết.Việc lựa chọn cụ thể cần cá thể hóa theo mức độ triệu chứng, tuổi, tiền sử dị ứng và nguy cơ tác dụng phụ, nhưng mục tiêu chung là điều trị toàn diện "mũi – mắt" để cải thiện chất lượng sống và ngăn ngừa tiến triển bệnh. Các khuyến cáo gần đây từ ARIA và EAACI (2023) cũng nhấn mạnh việc sử dụng sớm và đúng phác đồ kháng histamin thế hệ mới là yếu tố then chốt trong kiểm soát hiệu quả bệnh dị ứng phối hợp đường hô hấp và kết mạc.

Câu 13: Những tiêu chí nào cần xem xét khi chỉ định liệu pháp miễn dịch đặc hiệu (AIT) ở bệnh nhân viêm mũi dị ứng có hen phế quản?

BSCKII.Hoàng Quốc Tưởng: Việc chỉ định liệu pháp miễn dịch đặc hiệu (Allergen Immunotherapy – AIT) ở bệnh nhân viêm mũi dị ứng (VMDƯ) có hen phế quản cần dựa trên nhiều tiêu chí lâm sàng và miễn dịch học nhằm đảm bảo hiệu quả và an toàn điều trị. Trước tiên, cần xác định rõ ràng mối liên quan giữa triệu chứng và dị nguyên gây bệnh thông qua test lẩy da (SPT) hoặc xét nghiệm IgE đặc hiệu (sIgE), vì AIT chỉ có hiệu quả khi bệnh nhân được mẫn cảm với dị nguyên cụ thể và có tiếp xúc thường xuyên.Một tiêu chí then chốt là hen phế quản đi kèm phải được kiểm soát tốt, bởi AIT chống chỉ định ở bệnh nhân có hen không kiểm soát hoặc hen nặng, do nguy cơ gây phản ứng quá mẫn nghiêm trọng, đặc biệt khi sử dụng AIT đường tiêm dưới da (SCIT). Ngoài ra, AIT nên được xem xét khi VMDƯ kéo dài, mức độ trung bình đến nặng, không đáp ứng đầy đủ với điều trị nội khoa chuẩn (kháng histamin thế hệ mới và corticosteroid xịt mũi), hoặc khi bệnh nhân không muốn tiếp tục dùng thuốc lâu dài.Độ tuổi, mức độ tuân thủ điều trị, khả năng tiếp cận dịch vụ chuyên khoa, và các bệnh lý đi kèm cũng là những yếu tố cần cân nhắc. Đặc biệt, trong các khuyến cáo mới của EAACI và GINA (2023), AIT được khuyến nghị như một biện pháp có thể cải thiện cả triệu chứng VMDƯ và hen, đồng thời giảm nhu cầu dùng thuốc dài hạn và nguy cơ tiến triển nặng nếu được chỉ định đúng và theo dõi chặt chẽ.Tóm lại, các tiêu chí cốt lõi bao gồm: (1) chẩn đoán xác định và mẫn cảm với dị nguyên rõ ràng, (2) hen phế quản được kiểm soát tốt, (3) VMDƯ kéo dài hoặc không đáp ứng điều trị thông thường, và (4) bệnh nhân có khả năng tuân thủ và theo dõi điều trị AIT lâu dài.

Câu 14: Khi nào nên chỉ định kháng sinh cho trẻ bị ho kéo dài có viêm mũi dị ứng?

TS.BSCKII.Phạm Đình Nguyên: Chỉ định kháng sinh cho trẻ bị ho kéo dài trong bối cảnh có viêm mũi dị ứng (VMDƯ) cần được đặt ra một cách thận trọng, nhằm tránh lạm dụng thuốc và góp phần kiểm soát tình trạng kháng kháng sinh đang ngày càng gia tăng. Ho kéo dài ở trẻ em có VMDƯ thường do cơ chế viêm dị ứng hoặc dịch mũi chảy sau, không do nhiễm khuẩn, nên không phải là chỉ định thường quy cho kháng sinh.Tuy nhiên, kháng sinh có thể được cân nhắc khi có bằng chứng rõ ràng của nhiễm trùng hô hấp trên thứ phát, đặc biệt là viêm xoang cấp do vi khuẩn, thường được gợi ý khi ho kéo dài trên 10–14 ngày kèm theo các triệu chứng như: sốt kéo dài hoặc tái diễn, chảy mũi đục, hôi, nghẹt mũi một bên, đau hoặc căng tức vùng mặt, hoặc triệu chứng toàn thân rõ rệt. Ngoài ra, ho ướt mạn tính kèm đàm mủ, đặc biệt khi đáp ứng tốt với một đợt kháng sinh phổ hẹp, có thể gợi ý viêm phế quản mủ kéo dài (PBB – Protracted Bacterial Bronchitis), cũng là một chỉ định hợp lý cho kháng sinh.Trước khi kê toa, cần đánh giá toàn diện tiền sử dị ứng, đáp ứng với điều trị chống viêm và vệ sinh mũi xoang, và chỉ cân nhắc kháng sinh khi đã loại trừ nguyên nhân dị ứng đơn thuần và có dấu hiệu nhiễm trùng thực sự. Khuyến cáo của ERS (2023) và các hướng dẫn nhi khoa quốc tế đều nhấn mạnh vai trò của chẩn đoán phân biệt dựa trên triệu chứng, diễn tiến và cận lâm sàng trước khi sử dụng kháng sinh ở nhóm trẻ có VMDƯ kèm ho kéo dài.

Câu 15: Tại sao viêm da cơ địa được xem là dấu hiệu khởi đầu của tiến trình dị ứng?

BSCKII.Hoàng Quốc Tưởng: Viêm da cơ địa (VDCĐ) được xem là dấu hiệu khởi đầu trong tiến trình dị ứng – còn gọi là "hành trình dị ứng" (atopic march) – vì nó thường là biểu hiện đầu tiên của sự rối loạn điều hòa miễn dịch ở trẻ nhỏ, xuất hiện trước các bệnh lý dị ứng khác như dị ứng thực phẩm, viêm mũi dị ứng và hen phế quản. Cơ chế bệnh sinh cốt lõi của VDCĐ liên quan đến rối loạn chức năng hàng rào bảo vệ da, đặc biệt ở những trẻ mang đột biến gen filaggrin (FLG), làm cho da dễ bị mất nước và tăng tính thấm với các dị nguyên từ môi trường như bụi nhà, vi nấm, phấn hoa hoặc protein trong thực phẩm.Sự xâm nhập của các dị nguyên qua da bị tổn thương kích hoạt hệ miễn dịch theo hướng Th2, dẫn đến sản xuất IgE đặc hiệu và mẫn cảm toàn thân, tạo nền tảng cho các phản ứng dị ứng ở các cơ quan khác như đường hô hấp và tiêu hóa. Nhiều nghiên cứu gần đây (EAACI 2022; Lack et al., 2023) đã xác nhận rằng trẻ bị VDCĐ, đặc biệt là VDCĐ khởi phát sớm và mức độ nặng, có nguy cơ cao phát triển dị ứng thực phẩm, viêm mũi dị ứng và hen sau đó.Do đó, VDCĐ không chỉ là một bệnh da liễu đơn thuần mà còn là dấu hiệu cảnh báo sớm cho một diễn tiến dị ứng hệ thống, và việc can thiệp sớm bằng các biện pháp bảo vệ hàng rào da, kiểm soát viêm hiệu quả có thể đóng vai trò ngăn chặn hoặc làm chậm tiến trình dị ứng này.

Câu 16: Yếu tố nào làm tăng nguy cơ trẻ mắc hen phế quản sau này?

TS.BSCKII.Phạm Đình Nguyên: Nhiều yếu tố đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ trẻ mắc hen phế quản trong tương lai, đặc biệt ở những trẻ có cơ địa dị ứng hoặc viêm da cơ địa sớm.Trước hết, tiền sử gia đình có người mắc bệnh dị ứng hoặc hen là yếu tố nguy cơ quan trọng do ảnh hưởng di truyền đến cơ chế điều hòa miễn dịch. Viêm da cơ địa khởi phát sớm và mức độ nặng, đặc biệt khi kèm theo đột biến gen filaggrin hoặc có IgE đặc hiệu tăng cao, được xem là tín hiệu cảnh báo khả năng tiến triển theo hành trình dị ứng (atopic march), trong đó hen là biểu hiện về sau.Ngoài ra, nhiễm virus hô hấp dưới trong những năm đầu đời, đặc biệt là nhiễm RSV hoặc rhinovirus nặng, có liên quan chặt chẽ đến nguy cơ phát triển hen mạn tính ở tuổi học đường. Tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động, ô nhiễm không khí, sinh mổ, nuôi con không bằng sữa mẹ, và thiếu đa dạng hệ vi sinh vật đường ruột trong giai đoạn đầu đời cũng là những yếu tố môi trường đã được ghi nhận làm tăng nguy cơ mắc hen ở trẻ.Các hướng dẫn từ GINA (2023) và EAACI nhấn mạnh vai trò của việc đánh giá tổng thể nguy cơ hen ở trẻ có triệu chứng hô hấp tái diễn, đặc biệt khi có kèm các yếu tố nêu trên, nhằm can thiệp sớm và hạn chế tiến triển thành hen phế quản mạn tính.

Câu 17: Khi nào cần xét nghiệm IgE đặc hiệu trong đánh giá dị ứng thực phẩm ở trẻ có viêm da cơ địa?

BSCKII.Hoàng Quốc Tưởng: Xét nghiệm IgE đặc hiệu (sIgE) trong đánh giá dị ứng thực phẩm ở trẻ bị viêm da cơ địa (VDCĐ) cần được chỉ định có chọn lọc, dựa trên lâm sàng cụ thể và nguy cơ dị ứng, thay vì thực hiện đại trà. Việc xét nghiệm này nên được cân nhắc khi trẻ có biểu hiện lâm sàng gợi ý dị ứng thực phẩm qua trung gian IgE, chẳng hạn như phát ban, mày đay, phù mạch, nôn ói, tiêu chảy hoặc thậm chí phản vệ xảy ra ngay sau khi ăn một loại thực phẩm nghi ngờ (thường trong vòng vài phút đến 2 giờ). Ngoài ra, trẻ bị VDCĐ mức độ trung bình đến nặng, khởi phát sớm (<6 tháng tuổi) và có biểu hiện không cải thiện sau khi loại bỏ các yếu tố kích thích thông thường cũng là nhóm có chỉ định mở rộng để tầm soát dị ứng thực phẩm.Theo hướng dẫn của EAACI và các khuyến cáo gần đây (2022–2023), sIgE có thể giúp xác định sự mẫn cảm dị nguyên, nhưng không thể khẳng định chắc chắn có dị ứng lâm sàng, do đó kết quả cần được diễn giải cùng với tiền sử chi tiết và đôi khi cần phối hợp với test dị nguyên qua da (SPT) hoặc test thử thách thức ăn đường miệng (oral food challenge) trong môi trường chuyên khoa. Việc xét nghiệm không đúng chỉ định có thể dẫn đến kết luận sai lầm, loại bỏ thực phẩm không cần thiết, ảnh hưởng đến dinh dưỡng và phát triển của trẻ.Tóm lại, sIgE nên được thực hiện khi có lâm sàng phù hợp, nguy cơ cao, hoặc thất bại trong điều trị VDCĐ và luôn cần được đánh giá trong bối cảnh toàn diện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa dị ứng – miễn dịch lâm sàng.

Câu 18: Vì sao kháng histamine thế hệ hai được ưu tiên hơn thế hệ một trong điều trị viêm mũi dị ứng?

TS.BSCKII.Phạm Đình Nguyên: Kháng histamine thế hệ hai là lựa chọn ưu tiên trong điều trị viêm mũi dị ứng nhờ hiệu quả kiểm soát triệu chứng tốt, ít tác dụng phụ và phù hợp cho điều trị dài hạn. So với thế hệ một, các thuốc thế hệ hai có độ chọn lọc cao với thụ thể H₁ ngoại biên, ít thấm qua hàng rào máu–não, do đó hầu như không gây an thần hay ảnh hưởng đến chức năng nhận thức. Trong nhóm này, bilastine nổi bật nhờ không bị chuyển hóa qua gan, ít tương tác thuốc, khởi phát tác dụng nhanh và hiệu lực kéo dài 24 giờ. Ngoài ra, bilastine không gây buồn ngủ, không ảnh hưởng đến tâm thần vận động hay giấc ngủ, và được chứng minh an toàn ở cả người lớn và trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Các dạng bào chế thân thiện như viên ngậm tan hoặc dung dịch uống giúp cải thiện tuân thủ điều trị. Theo khuyến cáo ARIA và EAACI (2023), bilastine là một trong những lựa chọn tối ưu cho bệnh nhân viêm mũi dị ứng cần kiểm soát triệu chứng hiệu quả mà vẫn duy trì chất lượng sống và sinh hoạt bình thường.

Câu 19: Kháng histamine nào an toàn cho bệnh nhân tim mạch, suy gan, suy thận?

TS.BSCKII.Phạm Đình Nguyên: Ở bệnh nhân có nguy cơ tim mạch, suy gan hoặc suy thận, việc lựa chọn kháng histamine cần đặc biệt thận trọng để đảm bảo hiệu quả điều trị mà vẫn an toàn về mặt dược động học và không làm nặng thêm bệnh nền. Trong số các kháng histamine thế hệ hai, bilastine hiện được xem là một trong những lựa chọn an toàn nhất cho các nhóm bệnh nhân này.Bilastine không chuyển hóa qua gan, được thải trừ chủ yếu qua thận dưới dạng không đổi, và không ức chế hệ enzym cytochrome P450, do đó giảm tối đa nguy cơ tương tác thuốc, phù hợp cho bệnh nhân đa bệnh lý hoặc đang sử dụng nhiều thuốc đồng thời. Quan trọng hơn, bilastine không kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ – một tác dụng phụ nguy hiểm từng gặp ở một số thuốc như astemizole hay terfenadine – nên được đánh giá là an toàn trên tim mạch, kể cả ở bệnh nhân có bệnh tim nền.Theo các nghiên cứu và khuyến cáo gần đây từ EAACI và ARIA (2023), bilastine được phân loại là một trong những kháng histamine thế hệ hai có hồ sơ an toàn tối ưu, đặc biệt ở các đối tượng nguy cơ cao như người lớn tuổi, bệnh nhân suy gan, suy thận, hoặc có bệnh tim mạch kèm theo. Đây là lựa chọn ưu tiên trong thực hành lâm sàng khi cần điều trị viêm mũi dị ứng hoặc mày đay mà không ảnh hưởng đến các hệ cơ quan quan trọng.

Câu 20: Trong viêm da cơ địa, kháng histamine có hiệu quả đến mức nào? Trong điều trị bệnh lý dị ứng, khi nào dùng kháng histamine tại chổ, khi nào dùng toàn thân?

BSCKII. Hoàng Quốc Tưởng: Trong viêm da cơ địa (VDCĐ), vai trò của kháng histamine là hỗ trợ kiểm soát triệu chứng, đặc biệt là giảm ngứa, chứ không tác động trực tiếp lên cơ chế bệnh sinh chính là viêm da mạn tính do rối loạn miễn dịch và hàng rào da. Kháng histamine đường uống, đặc biệt là các thuốc thế hệ hai (như cetirizine, levocetirizine, bilastine), được sử dụng rộng rãi để giảm cảm giác ngứa – một trong những triệu chứng gây khó chịu nhất, ảnh hưởng lớn đến giấc ngủ và chất lượng sống của bệnh nhân.Tuy nhiên, bằng chứng hiện tại cho thấy hiệu quả của kháng histamine trong VDCĐ chỉ mang tính hỗ trợ, không thay thế được điều trị chính, vốn dựa trên phục hồi hàng rào da bằng chất làm mềm, kiểm soát viêm bằng corticosteroid hoặc thuốc ức chế calcineurin tại chỗ, và trong trường hợp trung bình – nặng, có thể cần đến liệu pháp toàn thân (như dupilumab). Kháng histamine thế hệ hai có ưu điểm ít gây buồn ngủ, an toàn khi sử dụng kéo dài, và được khuyến cáo dùng trong các đợt bùng phát có ngứa dữ dội, hoặc trong các trường hợp có kèm mày đay hoặc bệnh dị ứng khác.Theo các hướng dẫn từ EAACI và AAD (2023), kháng histamine không nên được chỉ định đơn độc trong điều trị VDCĐ, mà nên dùng như một phần của chiến lược điều trị đa mô thức, đặc biệt khi ngứa ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hoặc giấc ngủ. Ở trẻ nhỏ hoặc người có VDCĐ nhẹ, kháng histamine thế hệ hai như bilastine là lựa chọn an toàn, có thể cải thiện triệu chứng ngứa hiệu quả mà không gây an thần.

TS.BSCKII.Phạm Đình Nguyên: Trong điều trị các bệnh lý dị ứng, việc lựa chọn sử dụng kháng histamine tại chỗ hay toàn thân cần được cá thể hóa dựa trên vị trí tổn thương, mức độ và phạm vi triệu chứng. Kháng histamine tại chỗ, như thuốc nhỏ mắt,xịt mũi hoặc dạng bôi da, thường được ưu tiên khi triệu chứng khu trú và nhẹ, chẳng hạn trong viêm kết mạc dị ứng hoặc viêm mũi dị ứng khu trú, nơi cần tác dụng nhanh, tại đích. Ngược lại, kháng histamine đường toàn thân, đặc biệt là các thuốc thế hệ hai, là lựa chọn phù hợp khi triệu chứng lan tỏa, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống hoặc liên quan nhiều cơ quan – như trong viêm mũi dị ứng phối hợp viêm kết mạc, mày đay toàn thân, ngứa lan rộng trong viêm da cơ địa hoặc phản ứng dị ứng hệ thống sau tiếp xúc với thức ăn, thuốc hay côn trùng. Ngoài ra, đường toàn thân cũng được ưu tiên khi cần kiểm soát triệu chứng kéo dài, đặc biệt là ngứa về đêm ảnh hưởng giấc ngủ. Trong thực hành lâm sàng, việc phối hợp cả hai hình thức này thường cần thiết ở các trường hợp trung bình đến nặng hoặc khi điều trị đơn độc không mang lại hiệu quả tối ưu. Theo các khuyến cáo ARIA và EAACI (2023), chiến lược điều trị nên dựa trên mức độ triệu chứng, tính chất tái phát và đáp ứng điều trị, đảm bảo kiểm soát toàn diện nhưng vẫn an toàn và phù hợp cho từng bệnh nhân.

Hội thảo đã khép lại thành công với những thông điệp khoa học rõ ràng, có chiều sâu và giá trị ứng dụng cao trong thực hành lâm sàng, góp phần nâng tầm nhận thức về viêm mũi dị ứng như một bệnh lý viêm mạn tính hệ thống, không còn đơn thuần là tình trạng tại chỗ của niêm mạc mũi. Các chuyên gia nhất trí rằng hành trình dị ứng thường bắt đầu sớm ngay từ thời kỳ nhũ nhi, với viêm da cơ địa đóng vai trò "cửa ngõ" khởi đầu. Việc can thiệp sớm bằng dưỡng ẩm phù hợp, điển hình như Atopiclair – sản phẩm đã được chứng minh hiệu quả lâm sàng – giúp phục hồi hàng rào da, giảm viêm và làm chậm tiến triển dị ứng theo chiều sâu.Đặc biệt, trong thực hành nhi khoa, ho mạn tính là biểu hiện thường gặp của viêm mũi dị ứng trong hội chứng ho do đường hô hấp trên (UACS), và điều trị bệnh nền hiệu quả là chìa khóa kiểm soát triệu chứng lâu dài, thay vì chỉ tập trung điều trị triệu chứng ho đơn độc. Trong bối cảnh đó, Bilastine – một kháng histamine thế hệ hai với ưu điểm không gây buồn ngủ, không chuyển hóa qua gan, ít tương tác thuốc và dung nạp tốt – đã khẳng định vị thế là lựa chọn ưu tiên, phù hợp cho mọi lứa tuổi, đặc biệt trong điều trị viêm mũi dị ứng có bệnh phối hợp. Hội thảo không chỉ cung cấp cập nhật chuyên môn sâu sắc, mà còn mở ra những định hướng điều trị cá thể hóa, an toàn và bền vững cho các bệnh lý dị ứng hiện đại.

  • facebook
  • zalo
Ý kiến bạn đọc