Vào chiều ngày 11.03.2025, buổi đào tạo y khoa liên tục với chủ đề "Cập nhật sử dụng kháng histamin trong điều trị các bệnh lý Tai Mũi Họng" đã diễn ra thành công, mang lại nhiều thông tin hữu ích và chuyên sâu cho cộng đồng y khoa. Hội thảo do Liên chi hội Tai Mũi Họng TP.HCM và các tỉnh phía Nam cùng Bệnh viện Mắt- TMH- RHM An Giang đồng tổ chức, với sự đồng hành của các chuyên gia đầu ngành và sự tài trợ từ Menarini Việt Nam cùng Công ty TNHH Thương mại và Dược phẩm Sang. Trong bối cảnh viêm mũi dị ứng ngày càng gia tăng, nối tiếp các buổi đào tạo trước, buổi đào tạo y khoa này là một sự kiện quan trọng giúp cập nhật những kiến thức mới nhất về việc sử dụng kháng histamin trong điều trị các bệnh lý TMH, đặc biệt là điều trị viêm mũi dị ứng,
Mở đầu buổi hội thảo, BSCKII Mã Lan Thanh, Giám đốc Bệnh viện Mắt-TMH- RHM An Giang, đã nhấn mạnh rằng viêm mũi dị ứng là một bệnh lý phổ biến, và đang tiếp tục gia tăng theo từng năm, làm suy giảm chất lượng cuộc sống, cản trở hiệu suất làm việc và học tập.
Mở đầu buổi đào tạo, GS.TS.BS. Phạm Kiên Hữu, Chủ tịch hội TMH tp.HCM và các tỉnh phía Nam, Chủ tịch chi hội Mũi xoang tp. HCM đã nhấn mạnh những vấn đề được quan tâm trong điều trị viêm mũi dị ứng như điều trị viêm mũi dị ứng theo triệu chứng, điều trị viêm mũi dị ứng trên các đối tượng đặc biệt: phụ nữ có thai và cho con bú, chiến lược điều trị đơn trị và kết hợp thuốc trong viêm mũi dị ứng, khi nào cần tăng liều, giảm liều và ngừng thuốc. Bên cạnh đó các vấn đề mới trong điều trị viêm mũi dị ứng như miễn dịch liệu pháp, chỉ định phẫu thuật, các phương pháp mổ cũng như hướng phát triển tương lai khi tiếp cận điều trị viêm mũi dị ứng cũng được bàn thảo. Theo GS.TS.BS. Phạm Kiên Hữu, theo phác đồ điều trị viêm mũi dị ứng của ARIA, thuốc kháng histmin dạng uống và corticoid xịt mũi là điều trị phổ biến nhất. Trong các kháng histamin thế hệ 2 dạng uống, Bilastine là lựa chọn an toàn do đặc tính không an thần, chọn lọc cao trên thụ thể H1, không ảnh hưởng trên gan thận và tim mạch. Bên cạnh đó, theo một nghiêm cứu tại Nhật Bản trên bệnh nhân sử dụng Bilastine 20 mg ngày 1 lần trong vòng 2 tuần cho thấy Bilastine khởi phát tác dụng sớm hơn Fexofenadine, chỉ khoảng 1 giờ sau khi uống và hiệu quả điều trị sau ngày đầu tiên cũng cao hơn Fexofenadine. Bên cạnh đó Bilastine 10mg cũng được chứng minh hiệu quả và an toàn cao trên bệnh nhân trẻ em viêm mũi dị ứng.
Link đầy đủ bài trình bày tại đây
Trong phần tiếp theo, TS.BS. Nguyễn Triều Việt, Trưởng bộ môn TMH, Đại học Y Dược Cần Thơ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Đào tạo theo nhu cầu xã hội, Trường đại học Y dược Cần Thơ đã trình bày những cập nhật về điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em. TS.BS. Nguyễn Triều Việt nhấn mạnh, viêm mũi dị ứng là một mắt xích quan trọng trong tiến trình dị ứng ở trẻ em. Với trẻ em, việc xác định các bệnh lý đi kèm là điều cần thiết bằng việc phát hiện và đánh giá các biểu hiện lâm sàng trong đó hen suyễn và viêm mũi dị ứng thường xảy ra đồng thời trên cùng một bệnh nhân, đòi hỏi phải đánh giá toàn diện và có phương pháp quản lý kép. Theo TS.BS. Nguyễn Triều Việt, việc điều trị viêm mũi dị ứng cần dựa trên 4 mục tiêu chính: tránh chất gây dị ứng, bơm rửa mũi (bằng nước muối), lựa chọn thực hiện phương pháp có mục tiêu, hiệu quả và đáp ứng lâm sàng và tiến hành các biện pháp miễn dịch khi cần thiết. Bên cạnh đó TS.BS. Nguyễn Triều Việt cũng đưa ra các tiếp cận cá thể hóa trên từng lứa tuổi của trẻ. Trong đó với trẻ từ 2 đến 12 tuổi, Bilastine 10 mg đã được chứng minh hiệu quả và an toàn cao trên bệnh nhân viêm mũi dị ứng. TS.BS. Nguyễn Triều Việt kết luận, viêm mũi dị ứng là là tình trạng bệnh lý quan trọng ở trẻ em, thanh thiếu niên và cả người lớn với các triệu chứng đặc trưng như hắt hơi liên tục, chảy nước mũi, ngứa và nghẹt mũi đi kèm với các biểu hiện ở mắt và chảy nước mắt, cùng với các triệu chứng tiềm tàng khác như ngứa môi trên, chảy dịch mũi sau và ho. Điều trị nền tảng trong viêm mũi dị ứng ở trẻ em là kháng histamin H1 đường uống và nên chọn thuốc thế hệ mới để tránh gây ảnh an thần, suy giảm nhận thức và chậm phát triển tâm thần vận động. Trong đó với trẻ từ 2 đến 12 tuổi, Bilastine 10 mg đã được chứng minh hiệu quả và an toàn cao trên bệnh nhân viêm mũi dị ứng với dạng bào chế phù hợp là viêm nén phân tán trong miệng ( ODT). Bên cạnh đó Corticoid xịt mũi có hồ sơ an toàn tốt về các tác dụng phụ khi sử dụng lâu dài, tuy nhiên việc lựa chọn loại corticoid phù hợp là rất quan trọng do sự khác biệt về khả năng hấp thụ từ niêm mạc mũi và sinh khả dụng toàn thân.
Link đầy đủ bài trình bày tại đây
Trong bài trình bày cuối cùng, BSCKI. Thái Đức Lộc, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Mắt-TMH-RHM An Giang đã trình bày hai ca lâm sàng về điều trị viêm mũi dị ứng ở người lớn và trẻ em.
Ca lâm sàng thứ nhất về một bệnh nhân nam 20 tuổi, vào viện với lý do ngứa mũi, chảy mũi, nghẹt mũi, nhảy mũi. Bệnh diễn tiến kéo dài trên 5 năm trong đó thời gian gần đâu bệnh có dấu hiệu trở nặng, dai dẳng trên 4 ngày trong tuần, đã điều trị nhiều đợt trong năm ( > 4 đợt) trong đó tiền sử gia đình có cha và mẹ mắc viêm mũi dị ứng. Khám nội soi TMH cho thấy niêm mạc mũi có phù nề sung huyết, khe và sàng mũi có dịch trong và có gai vách ngăn. Kết cả CT mũi xoang cho thấy có vẹo vách ngăn. Bệnh nhân được chỉ định điều trị nội khoa viêm mũi dị ứng trước: kháng histamin, thuốc xịt mũi corticoid và phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn sau. Sau 2 tuần, bệnh nhân đáp ứng với Bilaxten (Bilastine 20 mg) 1 viên 1 ngày, Mesica ( Budesonide) xịt mũi 2 lần/ ngày hết nghẹt mũi, chảy mũi, nhảy mũi. Sau phẫu thuật bệnh nhân tái khám 02 đợt cho thấy các triệu chứng viêm mũi dị ứng đã hết và bệnh nhân quay về công việc hàng ngày.
Ca lâm sàng thứ hai về bệnh nhi 6 tuổi vào viện với lý do thường xuyên ngứa mũi, chảy mũi, nghẹt mũi. Thời gian gần đây bệnh trở nên nặng hơn, dai dẳng trên 4 ngày/ tuần và đã điều trị > 4 đợt/ năm. Bệnh nhân đã điều trị hen suyễn lúc 4 tuổi ( người nhà khai), đã điều trị ổn định 12 tháng trở lại đây và không có dấu hiệu khó thở, không có dị ứng thức ăn cũng như nổi mề đay, chàm, không nhiễm trùng Tai Mũi Họng, miệng, sâu răng, viêm lợi. Bệnh nhân có ông nội điều trị hen suyễn và khi thời tiết thay đổi hoặc ngửi mùi lạ là nhảy mũi, chảy mũi. . Thăm khám trên lâm sàng cho thấy tình trạng nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi trong, ngứa mũi trong khi thăm khám trên nội soi cho thấy niêm mạc mũi xung huyết, khe và sàng có dịch trong, vòm có khối VA, màng nhĩ 2 bên lành, ống tai khô. Về chỉ định, bệnh nhân được điều trị nội khoa trước với kháng histamin uống, thuốc xịt mũi corticoid sau đó nạo VA. Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân đáp ứng với Bilaxten ODT ( Bilastine 10mg) 1 viên uống ngày 1 lần, ADACAST ( Mometasone Furoate) xịt mũi 2 lần/ ngày hết nghẹt mũi, chảy mũi, nhảy mũi. Bệnh nhân được cho nhập viện phẫu thuật nạo VA, sau phẫu thuật bệnh nhân tái khám 2 đợt thấy hết các triệu chứng của viêm mũi dị ứng.
Sau khi trình bày và bàn luận về 2 ca lâm sàng, một số kết luận đã được đưa ra, đó là: viêm mũi dị ứng là một bệnh lý dị ứng với 4 triệu chứng cơ bản: ngứa mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi trong. Bệnh hay xuất hiện ở gia đình có người bị dị ứng khám niêm mạc mũi nhợt nhạt, hoặc sung huyết, cuốn mũi phù nề. Về điều trị, các thuốc kháng histamin H1 đường uống, corticosteroid xịt mũi, INCS và INAH xịt mũi là các thuốc điều trị phổ biến. Bên cạnh đó, cần tránh tiếp xúc với dị nguyên như bụi nhà, khói thuốc lá, lông thú và các chất kích thích để phòng viêm đường hô hấo
Link đầy đủ bài trình bày tại đây
Sau phần trình bày của các báo cáo viên, buổi thảo luận đã diễn ra sôi nổi với sự giải đáp các câu hỏi từ các bác sĩ tại hội trường cũng như trên nền tảng trực tuyến với nhiều vấn đề thời sự được quan tâm trog chẩn đoán và điều trị viêm mũi dị ứng như: kinh nghiệm sử dụng kháng histamin trên người lớn và trẻ em, trên các đối tượng bệnh nhân cao tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú mắc viêm mũi dị ứng, cách phân biệt viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch trên lâm sàng . Bên cạnh đó, những thắc mắc về việc sử dụng phối kết hợp kháng histamin dạng uống với kháng Leukotrien trong điều trị viêm mũi dị ứng; sử dụng kháng histamin kéo dài có gây lờn thuốc hay không, và giải pháp trong trường hợp này, và bao lâu có thể quay lại thuốc cũ; sử dụng kết hợp thuốc xịt mũi corticoid với kháng histamin đường uống; tác động trên tim mạch của các thuốc kháng histamin cũng được giải đáp. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được chia sẻ những kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị bệnh viêm mũi dị ứng tại BV Mắt-TMH-RMH An Giang.
Video đầy đủ phần thảo luận tại đây
Buổi đào tạo đã kết thúc với những kết luận quan trọng từ các chuyên gia. Bilastine được công nhận là một trong những thuốc kháng histamine thế hệ mới an toàn và hiệu quả nhất hiện nay. Với khả năng cải thiện nhanh chóng các triệu chứng ở mũi và mắt, ít gây buồn ngủ và không tương tác thuốc, Bilastine đã chứng tỏ vai trò quan trọng trong điều trị viêm mũi dị ứng ở cả người lớn và trẻ em, đặc biệt ở những bệnh nhân có các bệnh lý đi kèm.. Buổi đào tạo đã mang đến một cái nhìn toàn diện và cập nhật về các chiến lược điều trị viêm mũi dị ứng, giúp các bác sĩ lâm sàng có thêm công cụ để cải thiện hiệu quả điều trị cho bệnh nhân của mình.
Quý BS có nhu cầu tham gia CME và cấp giấy chứng nhận, xin vui lòng xem đầy đủ các video của buổi đào tạo, làm Post-test cũng như đóng phí CME chậm nhất ngày 15.03.2025 theo như thông báo đính kèm.