Tư vấn - Hỏi Đáp

Một số câu hỏi thường gặp và giải đáp. 

Tôi muốn hỏi cách phòng bệnh bằng thuốc Đông y đối với trẻ 8 tuổi và 13 tuổi khi giao mùa. Ngoài ra khi giao mùa nên dùng thuốc gì để điều trị? Tôi xin cảm ơn

Trẻ em hay người lớn khi giao mùa bất cứ mùa nào trong năm, nhiều nhất là từ hạ sang thu, thu sang đông thường dễ mắc một số bệnh đường hô hấp trên. Nguyên nhân là do sự thay đổi nhiều yếu tố môi trường làm cho cơ thể chưa thích nghi kịp. Vì vậy không nhất thiết giao mùa là phải dùng thuốc cho dù là thuốc Đông hay Tây y. Cần thiết là rèn luyện cơ thể khỏe mạnh, tập thể dục thể thao đều đặng, giữ cơ thể ấm, tránh tiếp xúc yếu tố hay nguồn lây bệnh, ăn uống điều độ, làm việc hài hòa với vui chơi nghỉ dưỡng, tránh căng thẳng, lo âu, buồn bực quá mức.Thân chào.

TS. BS NGUYỄN NGỌC MINH, .
Giảng viên bộ môn Tai Mũi Họng, Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch .
Ủy viên BCH Hội Tai Mũi Họng TP.HCM & các tỉnh phía Nam

Thưa bác sĩ, tôi thường xuyên có cảm giác vướng ở cổ, giống như bị đàm, nhưng khạc ra lại chỉ có một chút đàm trong, khiến cho tôi liên tục phải hắng giọng. Tôi đã từng đi nội soi, bác sĩ bảo tôi bị viêm họng hạt, và đã đốt rồi, nhưng vẫn không thấy đỡ. Xin cho tôi hỏi tôi nên điều trị theo hướng nào? Xin cảm ơn bác sĩ.

Các triệu chứng vướng họng, cảm giác có đàm, luôn đằng hắng hoặc khạc đàm nhưng chỉ giống như nước bọt trong đó là triệu chứng thông thường của nhiều người bị viêm họng hạt và amiđan mạn tính.
Tuy nhiên, có một số bệnh lý khác có thể gặp như:
• Viêm mũi xoang mạn gây xuất tiết và kích thích vùng mũi họng gây ngứa, vướng đàm, ho.
• Trào ngược dịch vị họng - thanh quản: thường ở người có tiền sử đau dạ dày, cơ địa béo phì, ăn uống muộn, nhiều chất béo, bia rượu, thuốc lá...
• Loạn cảm họng: thường ở phụ nữ tiền mãn kinh hay mãn kinh gây rối loạn cảm giác họng.
• Một số viêm họng mạn như sừng hóa họng amiđan (pharyngeal parakeratosis), nấm họng, sỏi họng – amiđan là những chất tiết do viêm kết tủa trong hốc amiđan, dị vật họng bị bỏ sót, nhiệt miệng, u nhú họng, ung thư vùng họng – miệng…Đốt họng hạt chỉ là một cách điều trị viêm họng hạt mà thôi chứ chưa phải là điều trị bắt buộc.Hơn nữa nếu không tìm ra nguyên nhân mà đốt họng bừa bãi không những không kết quả mà còn gây di chứng xấu cho họng.Việc điều trị của em cần đến những bác sĩ chuyên khoa TMH khám và cho tư vấn chi tiết.

TS. BS NGUYỄN NGỌC MINH,
Giảng viên bộ môn Tai Mũi Họng, Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch
Ủy viên BCH Hội Tai Mũi Họng TP.HCM & các tỉnh phía Nam

Em bị đàm đặc, màu xanh úa, đôi khi có lẫn máu từ khoảng một năm nay. Đàm đặc, khô nên kết thành từng mảng, có lẫn máu. Đến khi thời tiết ấm hơn thì đàm thành từng sợi dài, đặc, màu xanh úa. Cứ 2 ngày em phải cố gắng khạc ra một lần để được thông đường thở. Tuy nhiên, mấy hôm nay em cảm thấy hơi rát cổ, giọng ồm ồm hơn chút. Xin hỏi bác sĩ em bị sao ạ, có nguy hiểm gì không? Có thuốc nào có thể điều trị dứt điểm được bệnh của em không ạ? Xin cảm ơn các bác sĩ.

Triệu chứng đàm đặc, có lẫn máu, thay đổi giọng, khàn giọng làm nghĩ đến bệnh lý vùng họng – thanh khí quản. Ở người tuổi từ >40, hút thuốc nhiều, làm việc trong môi trường bui bậm, hóa chất nhiều, thợ gổ, thợ mài… sẽ dễ mắc các bệnh sau:
• Viêm mũi họng – họng mạn.
• Viêm thanh quản mạn.
• Viêm khí phế quản mạn.
• Dãn phế quản.
• Lao phổi.
• Tâm phế mãn tắc nghẽn (COPD).
• Ung thư họng, thanh quản, khí phế quản, phổi.Em cần đến bác sĩ chuyên khoa TMH để được nội soi, khám và làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác.

TS. BS NGUYỄN NGỌC MINH,
Giảng viên bộ môn Tai Mũi Họng, Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch
Ủy viên BCH Hội Tai Mũi Họng TP.HCM & các tỉnh phía Nam

Bé gái nhà em năm nay 3 tuổi, nặng 13,5kg. Cứ thay đổi thời tiết là cháu lại bị viêm mũi họng và thường xuyên phải uống kháng sinh. Xin hỏi uống chỉ một loại như thế có bị nhờn thuốc không? Xin bác sĩ cho biết, làm thế nào để trẻ có thể tăng sức đề kháng, không bị tái phát và cách phòng bệnh khi thay đổi thời tiết. Cháu thường uống mật ong ngâm chanh đào vào buổi sáng có tốt không? Xin cám ơn bác sỹ.

Trẻ em ở tuổi này thường bị viêm mũi họng nhất là khi các cháu tiếp xúc với không khí lạnh, gió nhiều, nhất là vào những lúc giao mùa.Những lúc như vậy cha mẹ không có gì lo lắng quá mức vì đó là những lúc cơ thể các cháu tập thích nghi với môi trường và tự sinh ra những phản ứng miễn dịch bảo vệ cơ thể khi gặp lại lần sau.Tuy nhiên, một số trẻ không có sức chống trả với những tác nhân gây hại đó sẽ phát sinh bệnh, viêm mũi họng hay viêm đường hô hấp trên là một bệnh thường gặp nhất ở trẻ em. Chính vì vậy không phải trường hợp ho, đàm, sổ mũi nào cũng cẩn dùng kháng sinh cho bé, trừ khi bé có bội nhiễm gây viêm phổi, viêm V.A, viêm họng – amiđan cấp do nhiễm trùng. Vấn đề là các trẻ phải có sức đề kháng tốt khi gặp phải những tác nhân gây bệnh như trên. Để nâng sức đề kháng cho trẻ có nhiều cách như sau:
• Tránh những thay đổi nhiệt độ quá mức như ngủ máy lạnh suốt đêm, quạt mạnh và thẳng vào cơ thể bé suốt đêm.
• Phải giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh, thời tiết mưa gió thất thường. Phòng ốc thoáng sạch, có ánh sáng mặt trời chiếu vào tốt nhất là nắng sớm. Có cửa kín nếu có gặp gió lùa.
• Ăn uống đầy đủ chất, đủ vitamin, đủ lượng và phù hợp với tuổi các cháu. Bổ sung những thức ăn giàu chất bổ và vitamin như cá biển, thịt, rau củ quả như bí đỏ, cà rốt, củ dền… và trái cây tốt như cam, táo, nho, kiwi…
• Thường xuyên đưa các cháu đi dã ngoại, chơi biển, chơi khu du lịch sinh thái, tập các môn thể thao tùy lứa tuổi của các cháu.
• Tiêm chủng đầy đủ đúng lịch. Tránh tiếp xúc với nguồn lây nhiễm nếu có thể được.Phòng bệnh vẫn tốt hơn chữa bệnh.
Những loại thức uống pha chế hổn hợp như mật ong +cam tắc, trà gừng, trà sữa…đều có thể cho trẻ uống nhưng đó không phải là thức uống duy nhất trong chế độ ăn uống và dinh dưỡng cho trẻ em. Một số trẻ không chịu những vị trái cây cay nồng như thế.

TS. BS NGUYỄN NGỌC MINH,
Giảng viên bộ môn Tai Mũi Họng, Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch
Ủy viên BCH Hội Tai Mũi Họng TP.HCM & các tỉnh phía Nam

Xin hỏi, tôi muốn khám mũi xoang tại phòng khám tư nhân BS Phạm Kiên Hữu. Xin cho tôi số điện thoại phòng khám để tôi đặt phiếu khám ạ. Chân thành cảm ơn.

Bích Thuận thân mến,

Rất vui khi nhận được câu hỏi của bạn. AloBacsi xin được giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu là chuyên gia đã có nhiều năm kinh nghiệm về chuyên ngành Tai - Mũi - Họng.
 

GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu - Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM

Hiện, BS Kiên Hữu có lịch khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vào sáng thứ 2, thứ 6 và cả ngày thứ 4. Bạn có thể đặt lịch khám với bác sĩ qua tổng đài 1900 7178.

Ngoài ra, bác sĩ cũng làm việc tại Phòng Khám Bệnh Viện Đại Học Y Dược 1 (20-22 Dương Quang Trung, Phường 12, Quận 10, TPHCM). Bạn liên hệ 1800 6023 để đặt lịch khám nhé!

Hy vọng những thông tin chúng tôi cung cấp sẽ hữu ích với bạn.

Trân trọng!

Cơ thể ngặn chặn COVID-19 qua đường tai mũi họng như thế nào?

GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM Chào bạn, Hệ miễn dịch là một hệ thống vô cùng phức tạp giúp cơ thể phân biệt những thành phần của cơ thể và vật lạ không thuộc cơ thể. Hệ thống miễn dịch đảm nhiệm chức năng loại bỏ các thành phần lạ đối với cơ thể như các vi sinh vật gây bệnh. Hệ miễn dịch được phân làm 2 thành phần: miễn dịch thiên tiên và miễn dịch thụ thể. Hệ miễn dịch thiên tiên hay còn gọi là miễn dịch không đặc hiệu bao gồm:

- Các hàng rào bảo vệ (da và niêm mạc) giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập và gây hại của các yếu tố nguy hại cho cơ thể như vi khuẩn, vi nấm, virus…

- Hàng rào bảo vệ ở vùng hầu họng - hàng rào bảo vệ đầu tiên ấy chính là lớp màng nhầy (niêm mạc nhầy - lông chuyển) bao gồm một lớp màng nhày phủ lên lớp niêm mạc tác dụng bắt giữ các yếu tố có hại và di chuyển dần xuống vùng họng miệng để được nuốt xuống và bất hoạt trong môi trường acid dạ dày và bên dưới là một lớp niêm mạc được tạo bởi các tế bào hình trụ có lông chuyển để di chuyển hiệu quả lớp chất nhày bên trên.

- Các tế bào miễn dịch không đặc biệt (đại thực bào, bạch cầu đa nhân, các tế bào sao, hệ thống bổ thể…) với nhiễm vụ bắt giữ và tiêu diệt các “vật lạ” này. Hệ miễn dịch thụ đắc hay còn gọi là miễn dịch đặc hiệu bao gồm các tế bào miễn dịch (tế bào lympho T và B) có vai trò chống lại sự xâm nhập cả các yếu tố nguy hại qua các kháng thể đặc hiệu với các kháng nguyên được ghi nhận từ yếu tố nguy hại (vi khuẩn, vi nấm, siêu vi…) ấy. Hàng ngày, hàng rào bảo vệ cơ thể ấy đã và đang không ngừng hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả để bảo vệ cơ thể của chúng ta. Thân mến. (Trích từ Livestream GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu: Bí quyết người bệnh tai mũi họng sống khỏe trong mùa dịch COVID-19)