Bilastine - Kháng histamin thế hệ mới được trọng dụng trong điều trị viêm mũi dị ứng ở cả người lớn và trẻ em

Thứ năm, 10/10/2024, 22:27 GMT+7

Vào chiều ngày 6/10/2024, buổi đào tạo liên tục trực tuyến với chủ đề "Chiến lược điều trị viêm mũi dị ứng dựa trên các tình huống lâm sàng" đã diễn ra thành công, mang lại nhiều thông tin hữu ích và chuyên sâu cho cộng đồng y khoa. Hội thảo do Liên chi hội Tai Mũi Họng TPHCM và các tỉnh phía Nam tổ chức, với sự đồng hành của các chuyên gia đầu ngành và sự tài trợ từ Menarini Việt Nam cùng Công ty TNHH Thương mại và Dược phẩm Sang.

Trong bối cảnh viêm mũi dị ứng ngày càng trở thành một vấn đề sức khỏe toàn cầu, đặc biệt với tỷ lệ mắc bệnh gia tăng ở các đô thị, hội thảo này là một sự kiện quan trọng giúp cập nhật những kiến thức mới nhất về chẩn đoán và điều trị viêm mũi dị ứng, nhất là các trường hợp lâm sàng đặc biệt như ở trẻ em và phụ nữ mang thai.

Mở đầu buổi hội thảo, GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu, Chủ tịch Liên chi hội Tai Mũi Họng TPHCM và các tỉnh phía Nam, cùng TS.BS.CK2 Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, Phó chủ tịch Liên chi hội TMH TPHCM và các tỉnh phía Nam đã nhấn mạnh rằng viêm mũi dị ứng là một bệnh lý phổ biến, với tỷ lệ mắc bệnh dao động từ 20-30% dân số toàn cầu, và tình trạng này đang tiếp tục gia tăng theo từng năm. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến người lớn mà còn gây hậu quả nghiêm trọng ở trẻ em, làm suy giảm chất lượng cuộc sống, cản trở hiệu suất làm việc và học tập. Điều đáng lo ngại hơn là viêm mũi dị ứng thường đi kèm với các bệnh lý mãn tính khác như hen suyễn, tăng nguy cơ gây biến chứng nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

 

Một trong những điểm nhấn của hội thảo là phần trình bày của PGS.TS.BS Lê Công Định, Trưởng khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Bạch Mai và Phó Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, về chẩn đoán viêm mũi dị ứng và nhấn mạnh rằng để chẩn đoán chính xác, bác sĩ không chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng mà còn cần thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, chẳng hạn như test kích thích mũi và xét nghiệm IgE đặc hiệu. Quan trọng hơn, việc chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác như viêm mũi không dị ứng, viêm xoang có polyp hoặc các khối u ở mũi xoang là rất cần thiết. Chẩn đoán đúng không chỉ giúp định hướng điều trị hiệu quả mà còn giúp tránh các biện pháp điều trị không cần thiết hoặc sai hướng, gây lãng phí và có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Sau phần chẩn đoán, PGS.TS.BS Lê Công Định tiếp tục trình bày về nguyên tắc điều trị viêm mũi dị ứng, trong đó nhấn mạnh rằng việc cá thể hóa điều trị là “chìa khóa” để đạt được hiệu quả tối ưu. Bệnh nhân cần được điều trị dựa trên mức độ triệu chứng, với phác đồ điều trị linh hoạt, kết hợp các nhóm thuốc phù hợp.

Trong số các thuốc kháng histamine thế hệ 2, Cetirizine được xem là một lựa chọn phổ biến nhờ hiệu quả giảm nhanh các triệu chứng viêm mũi và mắt. Tuy nhiên, thuốc này có thể gây buồn ngủ do khả năng qua hàng rào máu não, đặc biệt có ảnh hưởng đến những người làm các công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ.

Loratadine, trong khi ít gây buồn ngủ hơn, lại có một nhược điểm nhỏ là cần chuyển hóa qua gan, làm tăng nguy cơ tương tác thuốc ở bệnh nhân có bệnh lý gan hoặc đang dùng nhiều loại thuốc khác. Fexofenadine là một thuốc kháng histamine có tính an toàn cao và ít gây buồn ngủ hơn so với các thuốc khác, nhưng thời gian khởi phát tác dụng thường chậm hơn và hiệu quả không mạnh mẽ trong các trường hợp nặng.

Đặc biệt, Bilastine (Bilaxten) nổi bật nhờ tính chọn lọc cao trên thụ thể H1, không qua hàng rào máu não, khởi phát tác dụng nhanh trong vòng 1 giờ và duy trì hiệu quả trong 24 giờ, cải thiện được các triệu chứng ở cả mũi và mắt. Bilastine được đánh giá là một trong những thuốc kháng histamine thế hệ mới có tính an toàn và hiệu quả cao nhất, ít gây buồn ngủ và không gây tương tác thuốc, phù hợp cho bệnh nhân suy gan, suy thận hoặc đang điều trị với nhiều loại thuốc khác, không độc tính trên tim mạch, an toàn cho trẻ em và người cao tuổi.

Ngoài kháng histamine, corticosteroid dạng xịt mũi cũng là một lựa chọn điều trị quan trọng trong các trường hợp viêm mũi dị ứng trung bình đến nặng. Corticosteroid giúp giảm viêm tại chỗ, kiểm soát tốt triệu chứng nghẹt mũi và cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Trong một số trường hợp khó kiểm soát, sự kết hợp giữa corticosteroid và kháng histamine như Bilastine mang lại hiệu quả cao hơn, đặc biệt khi chỉ sử dụng một loại thuốc không kiểm soát tốt triệu chứng. Bên cạnh đó, Montelukast, một thuốc kháng leucotriene, được đề cập như một giải pháp hiệu quả trong các trường hợp viêm mũi dị ứng kèm hen phế quản. Sự phối hợp giữa Montelukast và các thuốc kháng histamine đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc kiểm soát triệu chứng vào ban đêm và buổi sáng sớm, những thời điểm mà triệu chứng của viêm mũi dị ứng thường nghiêm trọng hơn.

Đối với các bệnh nhân không đáp ứng tốt với điều trị nội khoa, liệu pháp miễn dịch đặc hiệu với dị nguyên là một lựa chọn cần thiết. Liệu pháp này nhằm mục tiêu thay đổi phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với các tác nhân dị ứng cụ thể, từ đó giảm dần sự nhạy cảm của cơ thể đối với các dị nguyên. Ngoài ra, trong một số trường hợp bệnh nhân bị ngạt mũi nghiêm trọng và không đáp ứng với điều trị bảo tồn, phẫu thuật chỉnh hình cuốn mũi dưới có thể được cân nhắc. Tuy nhiên, phẫu thuật chỉ là lựa chọn cuối cùng khi các biện pháp điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả. (Đầy đủ video trình bày TẠI ĐÂY).

Bên cạnh đó, một phần quan trọng của hội thảo là phần trình bày về chiến lược điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em, một nhóm bệnh nhân đặc biệt dễ bị tổn thương. TS.BS.CK2 Phạm Đình Nguyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, Chủ tịch LCH Tai Mũi Họng Nhi TPHCM đã trình bày về các khuyến cáo điều trị mới nhất cho trẻ em mắc viêm mũi dị ứng và chỉ ra rằng sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em có liên quan mật thiết đến quá trình đô thị hóa và ô nhiễm môi trường. Ở trẻ em, chẩn đoán chủ yếu dựa trên các triệu chứng lâm sàng, và các xét nghiệm cận lâm sàng chỉ cần thiết trong những trường hợp khó hoặc không điển hình.

Về điều trị, cần tuân theo nguyên tắc loại bỏ, hạn chế tiếp xúc với dị nguyên và kiểm soát triệu chứng. Kháng histamin thế hệ mới và corticosteroids xịt mũi được xem là hai nhóm thuốc chủ lực trong điều trị viêm mũi dị ứng. Kháng histamin thường được chỉ định trong đa số các trường hợp không phụ thuộc vào phân loại và mức độ ảnh hưởng. Trong khi đó, corticosteroid thường chỉ định trong trường hợp gián đoạn mức độ trung bình trở lên hoặc dai dẳng ở tất cả các mức độ. Kháng leucotriene (montelukast) có thể phối hợp điều trị để cải thiện triệu chứng về đêm, sáng sớm, đặc biệt ở những bệnh nhi có hen phế quản. Có thể cân nhắc chỉ định phương pháp giải mẫn cảm ở những trường hợp viêm mũi dai dẳng, theo mùa mức độ nặng từ 5 tuổi trở lên. 

Tại Việt Nam, Bilastine 10mg được chỉ định cho trẻ từ 6 tuổi trở lên trong khi tại châu Âu Bilastine 10mg có thể được chỉ định cho trẻ từ 2 tuổi. Bilastine có tác dụng tốt hơn hoặc tương đương một số kháng histamin khác cùng loại trong khi tác dụng không mong muốn ít hơn. Dựa theo các thang điểm đánh giá các kháng histamin của ARIA, Bilastine được đánh giá ở thang điểm cao nhất là 10 trong khi các thuốc kháng histamin khác dao động từ 6 đến 9.5 điểm do Bilastine có sự chọn lọc cao trên thụ thể H1, không có tương tác thuốc, không cần chỉnh liều trên bệnh nhân suy gan, suy thận. Theo nghiên cứu mới nhất được công bố năm 2024, Bilastine là thuốc được khuyến cáo hiệu quả, an toàn trên bệnh nhân viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng và mày đay. Mặt khác khi phối hợp Bilastine với Montelukast cho hiệu quả cao hơn phối hợp Montelukast và Levocetirizine trong điều trị viêm mũi dị ứng.

Một trong những yếu tố quan trọng khi điều trị cho trẻ em là lựa chọn dạng bào chế phù hợp với độ tuổi. Trẻ dưới 4 tuổi thường được khuyến khích sử dụng dạng siro do dễ uống và có thể điều chỉnh liều linh hoạt. Đối với trẻ từ 4 tuổi trở lên, viên nén phân tán trong miệng (ODT) là lựa chọn lý tưởng nhờ dễ sử dụng và không cần nước, tăng tính hợp tác của trẻ trong quá trình điều trị. Ở trẻ từ 12 tuổi trở lên, viên nén, viên bao phim có thể được sử dụng do kích thước lớn hơn. Corticosteroid dạng xịt mũi cũng được sử dụng phổ biến ở trẻ em bị viêm mũi dị ứng dai dẳng hoặc có triệu chứng nặng, giúp kiểm soát viêm tại chỗ và giảm triệu chứng nghẹt mũi. Montelukast được khuyến cáo cho trẻ em có viêm mũi dị ứng kèm hen phế quản, giúp cải thiện giấc ngủ và giảm triệu chứng về đêm, một yếu tố rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ.

Một vấn đề đặc biệt quan trọng được các chuyên gia nhấn mạnh trong hội thảo là cảnh báo về việc sử dụng kháng histamine thế hệ 1. Các thuốc như Diphenhydramine và Chlorpheniramine, mặc dù từng rất phổ biến, nhưng nay không còn được khuyến cáo do những tác dụng phụ lên hệ thần kinh trung ương, như gây buồn ngủ và làm giảm khả năng tập trung. Điều này đặc biệt nguy hiểm ở người lớn và trẻ em khi các hoạt động hàng ngày bị gián đoạn bởi tình trạng buồn ngủ và giảm tỉnh táo. (Video đầy đủ bài trình bày TẠI ĐÂY).

Hội thảo đã kết thúc với những kết luận quan trọng từ các chuyên gia. Bilastine được công nhận là một trong những thuốc kháng histamine thế hệ mới an toàn và hiệu quả nhất hiện nay. Với khả năng cải thiện nhanh chóng các triệu chứng ở mũi và mắt, ít gây buồn ngủ và không tương tác thuốc, Bilastine đã chứng tỏ vai trò quan trọng trong điều trị viêm mũi dị ứng, đặc biệt ở những bệnh nhân có các bệnh lý đi kèm. Khi kết hợp với các phương pháp điều trị khác như Montelukast và corticosteroid dạng xịt mũi, Bilastine giúp kiểm soát triệu chứng tốt hơn và cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Hội thảo đã mang đến một cái nhìn toàn diện và cập nhật về các chiến lược điều trị viêm mũi dị ứng, giúp các bác sĩ lâm sàng có thêm công cụ để cải thiện hiệu quả điều trị cho bệnh nhân của mình.

Trong những phần tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp những thông tin tóm tắt trong phần tọa đàm và trả lời câu hỏi của các đại biểu tham dự.

 

 Cập nhật những điểm mới trong chẩn đoán và điều trị viêm mũi dị ứng

Nguồn : ALOBACSI

  • facebook
  • zalo
Ý kiến bạn đọc