Điểm mới cập nhật trong sử dụng kháng histamin điều trị viêm mũi dị ứng, mày đay trên người lớn và trẻ em

Thứ năm, 25/04/2024, 20:24 GMT+7

Điểm mới cập nhật trong sử dụng kháng histamin điều trị viêm mũi dị ứng, mày đay trên người lớn và trẻ em

Chiều ngày 14/4/2024, Liên chi hội Tai Mũi họng TPHCM và các tỉnh phía Nam với sự đồng hành của văn phòng đại diện Menarini Việt Nam đã tổ chức thành công hội chương trình đào tạo liên tục trực tuyến “Sử dụng kháng histamin mới trong điều trị viêm mũi dị ứng và mày đay ở người lớn và trẻ em” với sự tham gia của gần 2.000 đại biểu tham dự trên các nền tảng trực tuyến của Liên chi hội cũng như Alobacsi.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu, Chủ tịch liên chi hội Liên chi hội Tai Mũi họng TPHCM và các tỉnh phía Nam cho biết, trong những năm gần đây, Hội đồng hành chặt chẽ với VPĐD Menarini Việt Nam trong việc cập nhật những thông tin về dùng kháng histamin trong điều trị viêm mũi dị ứng, cũng như những nghiên cứu của Bilaxten 20 mg và Bilaxten 10 mg ODT trong điều trị viêm mũi dị ứng và mày đay.

Kháng histamin H1 đường uống thế hệ mới - lựa chọn đầu tay trong điều trị mày đay, viêm mũi dị ứng

Tại hội thảo, TS.BS Phạm Lê Duy - Giảng viên bộ môn Sinh lý, sinh lý bệnh miễn dịch, Đại học Y Dược TPHCM, đồng thời công tác tại phòng khám Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã cung cấp cho các đại biểu tham dự những kiến thức cập nhật trong việc chẩn đoán,  điều trị viêm mũi dị ứng và mày đay ở người lớn, đặc biệt là các giải pháp sử dụng kháng histamin trong điều trị hai bệnh lý này.

TS.BS Phạm Lê Duy dẫn chứng thống kê cho thấy, mày đay là bệnh lý phổ biến với 20-30% người trong cộng đồng mắc mày đay ít nhất một lần trong đời. Theo khuyến cáo của châu Âu và châu Á Thái Bình Dương, kháng histamin H1 đường uống thế hệ mới là lựa chọn đầu tay và có thể tăng liều lên tối đa 4 lần liều cơ bản trong khi thuốc kháng thụ thể leukotriene không còn được khuyến cáo trong các hướng dẫn điều trị mày đay mới này.

Chuyên gia nhấn mạnh, trong nghiên cứu được công bố cho thấy bilastine ức chế sự hình thành sẩn, hồng ban và giảm mức độ ngứa nhiều hơn so với desloratadine và rupatadine. Trong việc điều trị mày đay mãn, với bệnh nhân không đáp ứng liều đơn bilastine 20 mg tăng liều bilastine lên 40mg/ ngày giúp làm giảm 23% điểm số UAS7.

Bên cạnh đó, viêm mũi dị ứng cũng là một bệnh lý phổ biến. Để chẩn đoán xác định, ngoài các triệu chứng như nghẹt mũi, ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi thì cần thực hiện test lẩy da hoặc IgE đặc hiệu hoặc test thử thách mũi. Trong điều trị, nếu bệnh nhân viêm mũi dị ứng nhẹ tới trung bình thì kháng histamin H1 là lựa chọn hàng đầu, trong khi nếu bệnh nhân viêm mũi dị ứng trung bình tới nặng thì corticoid xịt mũi phối hợp với kháng histmin đường uống hoặc xịt mũi được khuyến cáo.

Trong các kháng histamin H1, bilastine là thuốc mới nhất, khắc phục được những nhược điểm của các kháng histamin H1 cũ hơn như không an thần, không gây khô miệng, buồn nôn… Khi điều trị bilastine 20 mg/ ngày giúp bệnh nhân giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng tốt hơn fexofenadine 120 mg ở ngày thứ nhất. Bên cạnh đó, so với Cetirizine, bilastine ít gây tác dụng phụ như buồn ngủ, mệt mỏi và tác dụng không mong muốn tương đương giả dược. Bên cạnh đó không cần chỉnh liều thuốc trên bệnh nhân suy gan, suy thận, không gây tương tác thuốc, không có chống chỉ định. (Xem bài báo cáo đầy đủ TẠI ĐÂY).

Kháng histamin Bilastine hiệu quả, an toàn cao trên trẻ bị viêm mũi dị ứng

Tiếp theo chương trình, TS.BS.CK2 Phạm Đình Nguyên - Phó giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 - Chủ tịch liên chi hội Tai Mũi họng Nhi TPHCM đã cập nhật về khuynh hướng sử dụng kháng histamin trong điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em. Tình trạng này là bệnh lý phổ biến ở trẻ em với tỷ lệ mắc bệnh khoảng 3% ở trẻ dưới 4 tuổi và tăng lên khoảng 15% khi trẻ bắt đầu đi học và khoảng 40% ở trẻ 13-14 tuổi.

Chuyên gia cho rằng, điều trị viêm mũi dị ứng phụ thuộc vào mức độ và phân loại viêm mũi dị ứng. Ở bất kỳ phân loại và mức độ viêm mũi dị ứng nào, kháng histamin H1 đều được khuyến cáo sử dụng. Kháng histamin tác dụng nổi bật vào các triệu chứng ngứa mũi, nhảy mũi và chảy mũi. Kháng histamin thế hệ 1 có tác dụng tương tự kháng histamin thế hệ 2 nhưng ngày nay ít được sử dụng do nhiều tác dụng phụ. Trong khi đó, kháng histamin thế 2 có tính dung nạp tốt hơn, trong nghiên cứu hơn 6.000 trường hợp trẻ uống quá liều kháng histamin thế hệ 2 thì tới 91% không ghi nhận tác dụng phụ hoặc tác dụng phụ nhẹ.

Bilastine và fexofenadine là hai kháng histamin được sử dụng phổ biến, được chấp nhận trong ngành hàng không do tính an toàn cao. Bilastine 10 mg  trong các nghiên cứu cho thấy an toàn cho trẻ từ 2 tuổi trở lên và được chỉ định cho trẻ từ 6 tuổi và có cân nặng từ 20 kg. Bilastine có ái lực trên thụ thể H1 cao hơn 3-5 lần so với cetirizine, loratadine, fexofenadine, tác dụng nhanh trong 30 phút và kéo dài tới 26 giờ.

Bên cạnh đó, bilastine không chuyển hóa qua gan nên không tương tác thuốc, không qua hàng rào máu não nên không ảnh hưởng lên thần kinh trung ương, không ảnh hưởng lên tim. Theo các tiêu chí được ARIA đưa ra, Bilastine là thuốc được khuyến cáo sử dụng nhiều nhất với thang điểm 10 và cao hơn các kháng histamin khác. Tác dụng không mong muốn của bilastine ít hơn nhiều so với kháng histamin khác.

TS.BS.CK2 Phạm Đình Nguyên khuyến nghị, để kiểm soát triệu chứng của viêm mũi dị ứng của trẻ em trong 24 giờ, chúng ta cần lưu ý 4 triệu chứng điển hình của viêm mũi dị ứng, 4 phân loại của viêm mũi dị ứng, 4 phương pháp điều trị, thời gian điều trị đánh giá sau 4 tuần, trẻ từ 4 tuổi trở lên có điều trị tương tự như người lớn. 2 thuốc được khuyến cáo sử dụng chủ đạo trong điều trị viêm mũi dị ứng  ở trẻ em là kháng histamin thế hệ 2 dạng uống và corticoid xịt mũi. (Xem bài báo cáo đầy đủ TẠI ĐÂY).

Những nguyên nhân không đáp ứng điều trị kháng histamin trên trẻ em bị mày đay

Trong phần tiếp theo, BS.CK2 Hoàng Quốc Tưởng - Giảng viên Bộ môn Nhi Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã trình bày về sử dụng kháng histamin trong điều trị mày đay ở trẻ em. Mày đay là một trong 10 bệnh lý phổ biến nhất ở trẻ em với tần suất mắc bệnh 15,3%-22,3%. Tuy nhiên đa phần mày đay ở trẻ em mày đay cấp, lành tính và có thể điều trị ngoại trú trong khi mày đay mãn tính ít gặp hơn và thường gặp ở trẻ em trên 5 tuổi.

Trong điều trị mày đay cả mãn tính và cấp tính ở trẻ em có dùng thuốc, lựa chọn đầu tay là kháng histamin H1 thế hệ 2, trong đó bilastine, cetirizine, desloratadine được ưu tiên khuyến cáo sử dụng. Trong đó trên từ 6 tuổi nên được sử dụng bilastine, levocetirizine. Bilaxten ODT (Bilastine 10 mg) viên nén phân tán trong miệng có vị nho dễ uống, tan trong miệng, thỏa mãn cả 6 tiêu chí về một kháng histamin dùng cho trẻ em, được chỉ định cho trẻ từ 6 tuổi và đang có những nghiên cứu để có thể sử dụng cho trẻ nhỏ tuổi hơn.

Một số nguyên nhân không đáp ứng với kháng histamin được chuyên gia đề cập đến bao gồm: không tuân thủ, dùng kháng histamin không phù hợp (thuốc kháng histamin thế hệ 1 có nhiều tác dụng phụ), thời gian điều trị không đủ (thường phải điều trị liên tục 4 tuần), liều lượng không đủ (một số trường hợp mãn tính phải tăng liều).

Theo các hướng dẫn điều trị, trẻ dưới 12 tuổi nếu không đáp ứng liều chuẩn có thể tăng liều tối đa 4 lần hoặc có thể đổi qua kháng histamin H1 khác. Việc phối hợp 2 loại kháng histamin H1 thế hệ 2 hoặc kháng histamin H1 và kháng histamin H1 thế hệ 2 không có bằng chứng trên trẻ em. Để đánh giá việc tăng liều phải dựa trên thang điểm UCT, trong đó UCT>=12 tức là bệnh đang được kiểm soát và khi UCT >16 thì có thể giảm liều, nhưng phải giảm liều từ từ trong khi UCT<=11 là bênh không được kiểm soát và cần tăng liều. Ở nhóm có điểm số UAS7 hoặc mật độ eosinophil, basophil cao thường phải sử dụng kháng histamin liều cao kéo dài.

Ngoài ra, chuyên gia nhấn mạnh, nếu điều trị không đáp ứng với kháng histamin H1 cần xem lại các chẩn đoán và có thể làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng, và có thể phải nâng bậc điều trị, kết hợp thêm các điều trị khác như Omalizumab (cho trẻ trên 12 tuổi), corticoid đường uống, ciclosporin. (Xem bài báo cáo đầy đủ TẠI ĐÂY).

Hội thảo kết thúc sau phần thảo luận, giải đáp câu hỏi của chủ tọa và các báo cáo viên. Những câu hỏi và câu trả lời tiêu biểu trong thảo luận này sẽ được Entsvn đăng tải trong phần sau.

Nguồn : Alo Bacsi

  • facebook
  • zalo
Ý kiến bạn đọc
Các tin khác

HỘI THẢO KHOA HỌC “SỬ DỤNG KHÁNG HISTAMIN MỚI TRONG ĐIỀU TRỊ VIÊM MŨI DỊ ỨNG Ở NGƯỜI LỚN VÀ TRẺ EM

Hội nghị khoa học thường niên Tai Mũi Họng 2024 do Liên chi hội Tai Mũi Họng thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng hội TMH Đắk Lắk và bệnh viện đa khoa vùng ...

HỘI THẢO KHOA HỌC “ SỬ DỤNG KHÁNG HISTAMIN MỚI TRONG ĐIỀU TRỊ VIÊM MŨI DỊ ỨNG VÀ MÀY ĐAY: TỪ LÝ THUYẾT ĐẾN THỰC HÀNH”

Sáng ngày 03/12/2023, tại khách sạn Park Hyatt Saigon, Liên chi hội TMH tp.HCM và các tỉnh phía Nam đã phối hợp cùng Văn phòng đại diện Menarini Việt Nam, Công ty TMHH ...

CME trực tuyến: Cập nhật chẩn đoán và điều trị nhiễm khuẩn hô hấp, tai mũi họng theo đặc điểm người bệnh

Hướng đến mục tiêu đồng hành và chia sẻ trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cộng đồng với thầy thuốc, nhãn hàng Klamentin - DHG Pharma phối hợp với Liên chi ...

HỘI THẢO TRỰC TUYẾN: CHIA SẺ KINH NGHIỆM QUẢN LÝ BỆNH VIÊM MŨI DỊ ỨNG - TỪ THÁCH THỨC ĐẾN GIẢI PHÁP

Nhằm cung cấp những thông tin mới, cập nhật xu hướng mới trong điều trị nhiễm khuẩn hô hấp trên đến quý Hội viên, Quý Bác sĩ, Dược sĩ và nhân viên y ...