Đó là nhận định của PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân - Phó chủ tịch Hội Tai Mũi Họng TPHCM và các tỉnh phía Nam tại Hội nghị Khoa học 2024 với chủ đề “Tối ưu hóa chẩn đoán và điều trị bệnh lý Mũi - Xoang thường gặp”. Tại đây, các ưu điểm của nitric oxide xịt mũi trong điều trị bệnh lý mũi xoang đã được vị chuyên gia nêu bật.
Chia sẻ về chủ đề “Các ưu điểm của Nitric Oxide trong điều trị tại chỗ bệnh lý mũi xoang”, PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân cho biết, điều trị bệnh lý mũi xoang có hai phương pháp bao gồm: điều trị bằng thuốc và điều trị tại chỗ. Trong đó, nitric oxide là một loại thuốc mới được sử dụng phổ biến hiện nay.
Vị chuyên gia chia sẻ thêm, hiện nay đã có nhiều loại thuốc xịt mũi, và có thể phân thành 2 nhóm: Nhóm một bao gồm nước muối và nước biển; Nhóm hai bao gồm thuốc co mạch, corticoid xịt mũi, anti histamin xịt mũi, thuốc bền vững tế bào mast, thuốc làm ẩm niêm mạc mũi, phối hợp 2 loại thuốc (Anti Histamin + Steroid), và mới nhất ngày nay đã có thêm nitric oxide xịt mũi.
Nitric oxide là một chất khí tự nhiên ở trong cơ thể, hình thành qua hai con đường: ăn uống các loại thực phẩm chứa thành phần nitrate, hoặc do quá trình chuyển hóa trong cơ thể.
Phó giáo sư thông tin, hiện nay nitric oxide đã được ứng dụng rất nhiều trong y học, đặc biệt là ứng dụng trong nhi khoa, sản khoa, nam khoa, ung thư, da liễu - lành vết thương, tim mạch, các lĩnh vực trong hô hấp và tai mũi họng.
Riêng với hệ hô hấp và tai mũi họng, vị chuyên gia giải thích, cấu tạo của hệ niêm mạc về hô hấp và tai mũi họng được coi là cấu tạo một đường thở (cấu tạo hệ thống nhầy luân chuyển). Vì vậy các bệnh lý ở niêm mạc đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới có thể có cùng cơ chế và nguyên nhân gây bệnh.
Trong cơ thể người, mũi xoang được xem là khu vực bồn chứa của nitric oxide, xoang cạnh mũi là bồn chứa sinh lý của nitric oxide. Hốc mũi và xoang mũi là nguồn gốc chủ yếu của nitric oxide trong đường hô hấp.
Theo đó, nitric oxide ở mũi có tác dụng điều hòa dòng khí đi vào mũi và tác dụng bảo vệ không đặc hiệu. Đối với các trường hợp viêm mũi dị ứng, nitric oxide có vai trò duy trì cân bằng nội môi sinh lý ở mũi; điều hòa viêm đường thở thông qua biểu hiện của nitric oxide synthase.
Các ưu điểm của nitric oxide trong điều trị bệnh lý mũi xoang được vị chuyên gia nêu bật trong bài báo cáo.
Cụ thể, ưu điểm của nitric oxide trên các tác nhân gây bệnh như siêu vi, vi khuẩn, biofilm… có tác dụng kháng viêm kháng khuẩn, đặc biệt là diệt siêu vi, phá vỡ màng biofilm.
Có hai cơ chế chính nitric oxide tác dụng lên nhiễm siêu vi. Trong đó, nitric oxide có thể tác động trực tiếp đối với siêu vi, vô hiệu hóa men của siêu vi; gây đứt gãy sợi ADN của siêu vi; và ức chế các yếu tố nhân lên của virus siêu vi.
Bên cạnh đó, nitric oxide có thể tác động gián tiếp, kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể, các tế bào vật chủ, lympho B, lympho T, đại thực bào để tiêu diệt siêu vi. Vì vậy nitric oxide ngày nay còn được xem là một loại thuốc có tác dụng tiêu diệt siêu vi. Đó là nhận định của vị chuyên gia về ưu điểm đầu tiên của nitric oxide.
Trên niêm mạc mũi xoang, nitric oxide tăng hoạt động hệ thống nhầy lông chuyển, làm lớp nhầy lông chuyển hoạt động tích cực, hiệu quả, lớp nhầy trong, lỏng và mỏng hơn.
Đối với trường hợp viêm mũi xoang mạn, đây là một bệnh lý dai dẳng, kéo dài, điều trị phức tạp. Bởi vì cơ chế bệnh sinh của viêm mũi xoang mạn có thể xuất phát từ bệnh lý của hệ thống nhầy luân chuyển, từ bệnh lý phức hợp lỗ thông khe, hoặc nhiễm vi khuẩn. Hay chỉ là một vấn đề nhiễm vi khuẩn đơn thuần cũng có thể đồng nhiễm siêu vi.
Phó giáo sư nhấn mạnh, nếu chỉ dùng kháng sinh để diệt vi khuẩn có thể bỏ qua các cơ chế khác, ví dụ như đồng nhiễm siêu vi, bệnh lý luân chuyển, phúc hợp lỗ thông khe.
Cơ chế siêu kháng nguyên là một trong các nguyên nhân làm viêm mũi xoang mạn tái phát dai dẳng. PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân cho biết, căn nguyên của viêm mũi xoang mạn do nấm gây ra, nếu không chú ý phẫu thuật làm sạch mô nấm thì có điều trị thế nào cũng không hiệu quả.
Đặc biệt, một trong những nguyên nhân làm viêm mũi xoang mạn tái đi tái lại là biofilm. Đây là vấn đề rất thường gặp, tỷ lệ mắc dao động từ 40-90% trên các nhóm bệnh nhân viêm mũi xoang, kể cả bệnh nhân viêm xoang cấp, mạn và nhóm bệnh nhân xoang cần phẫu thuật.
Việc sử dụng kháng sinh đơn thuần chỉ có tác dụng với những con vi khuẩn bên ngoài biofilm và giảm số lượng vi khuẩn. Tuy nhiên, nếu kết hợp sử dụng kháng sinh với nitric oxide có thể tác động được đến vi khuẩn bên trong biofilm, cho thấy có hoạt tính kháng viêm cũng như có hoạt tính tiêu đàm nhầy.
Nitric oxide có tác dụng kích hoạt hệ thống miễn dịch trong cơ thể, kích hoạt các tế bào miễn dịch, phản ứng viêm, phản ứng của cơ thể đáp ứng với tình trạng viêm. Đó là những ưu điểm của nitric oxide trên hệ thống miễn dịch của cơ thể được nữ chuyên gia chia sẻ.
Các tế bào trong cơ thể tạo ra nitric oxide có tác dụng điều hòa miễn dịch, tự gây độc tế bào và kháng khuẩn. Ở nồng độ cao, nitric oxide có tác dụng tiêu diệt các mầm bệnh, các đại thực bào, siêu vi…
Đặc biệt trong các trường hợp viêm mũi, viêm mũi họng, viêm mũi xoang giai đoạn đầu luôn là giai đoạn nhiễm siêu vi, sau giai đoạn đó là đến hậu nhiễm siêu vi, và giai đoạn sau nữa là nhiễm vi khuẩn.
Phó giáo sư khuyến cáo, ở giai đoạn nhiễm siêu vi nếu xử lý và điều trị tốt sẽ tránh được tình trạng đi đến giai đoạn của nhiễm vi khuẩn.
Đối với quá trình tương tác thuốc: khi sử dụng cùng lúc nitric oxide với kháng sinh thì nitric oxide sẽ tăng tác dụng của kháng sinh, hay còn gọi là hiệp đồng với kháng sinh.
Qua các ưu điểm của nitric oxide xịt mũi, chuyên gia nhận định, nitric oxide xịt mũi có những hoạt tính, ưu điểm khám viêm, kháng khuẩn, kháng virus, được coi là thuốc có khả năng diệt siêu vi, kháng biofilm, tiêu đàm, loãng đàm, tăng hoạt động của hệ thống nhầy lông chuyển, tăng khả năng lành vết thương. Nitric oxide là một giải pháp hỗ trợ trong điều trị bệnh lý viêm mũi xoang ngày nay.