TS.BS Lê Trần Quang Minh đã cung cấp những thông tin hữu ích về phẫu thuật nội soi mũi xoang điều trị các khối u sàn sọ tại Hội nghị Khoa học 2024 với chủ đề “Tối ưu hóa chẩn đoán và điều trị bệnh lý Mũi - Xoang thường gặp”.
Với bài báo cáo “Phẫu thuật nội soi mũi xoang điều trị các khối u sàn sọ nhờ hướng dẫn định vị 3 chiều IGS tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM”, TS.BS Lê Trần Quang Minh - Phó Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng TPHCM và các tỉnh phía Nam - Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM thông tin, từ năm 1910, lần đầu tiên phẫu thuật nội soi lấy u tuyến yên qua đường mũi - mở ra một kỷ nguyên mới trong phẫu thuật nội soi lấy các khối u mũi xoang xâm lấn sàn sọ.
Bước vào thế kỷ 21, sự phát triển mạnh mẽ của phẫu thuật nội soi mũi xoang, cùng với sự hoàn thiện của dụng cụ phẫu thuật, các vật liệu cầm máu, tái tạo sàn sọ... các phẫu thuật viên mũi xoang đã chuyển dần đường phẫu thuật ngoài sang nội soi, với nhiều ưu điểm rõ rệt.
U mũi xoang xâm lấn sàn sọ gồm: U lành tính như u nhủ ngược, u sợi sinh xương, u xương, u sụn, u sợi mạch vòm mũi họng, u mạch máu... U ác tính thường gặp là u nguyên bào thần kinh khứu, u tế bào thần kinh nội tiết, Carcinoma tế bào gai, Carcinoma dạng tuyến...
TS.BS Lê Trần Quang Minh nhận định: “Về đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng, các khối u mũi xoang phát triển âm thầm, triệu chứng lâm sàng nghèo nàn, thường phát hiện u giai đoạn trễ (bệnh nhân chảy máu mũi, khối u đẩy lồi ổ mắt, song thị, sụp mi,…)”.
Sử dụng nội soi mũi xoang, CT-scan, MRI giúp gợi ý cho chẩn đoán ban đầu, và đánh giá u liên quan với các cấu trúc xung quanh. DSA hiện nay là một phương pháp cần thiết trong những trường hợp nghi ngờ nguồn gốc từ u mạch máu hoặc u sơ sợi mạch.
Theo chuyên gia, sinh thiết u trước phẫu thuật được chỉ định trong một số trường hợp, ngoại trừ u mạch máu hoặc u sơ sợi mạch sẽ sinh thiết. Chống chỉ định ở những u có nguy cơ gây chảy máu và một số sợi u không cần sinh thiết trước phẫu thuật.
Điều trị thường dựa vào lành tính và ác tính: Nếu lành tính có thể điều trị phẫu thuật; Ác tính biệt hóa thấp sẽ phẫu thuật kết hợp xạ trị và ác tính biệt hóa cao sẽ có xạ trị, hóa trị và phẫu thuật; Đối với khối u ác tính lớn thường là điều trị đa mô thức, bao gồm xạ trị, hóa trị và sau đó là phẫu thuật.
Về quan điểm kinh điển, cần loại trừ hoàn toàn khối u "en bloc”, nghĩa là lấy khối u toàn bộ, lấy gọn khối u. Tuy nhiên, nếu cần thiết sẽ kết hợp phẫu thuật đường ngoài nhưng sẽ gây tổn thương nhiều cầu trúc quan trọng, hậu phẫu nặng nề và bệnh nhân mất nhiều thời gian nằm viện. Ngoài ra việc kết hợp các chuyên khoa như Ngoại thần kinh, Mắt... được xem là cần thiết.
Về quan điểm hiện đại sẽ phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu qua đường mũi. Đặc điểm là kiểm soát việc lấy u, sự chảy máu và tránh được tổn thương các cầu trúc mạch máu, thần kinh quan trọng. Hậu phẫu nhẹ nhàng, ít xâm lấn, mang tính thẩm mỹ cao.
Theo TS.BS Lê Trần Quang Minh, về nguyên tắc chung, phẫu thuật nội soi lấy u vùng mũi xoang xâm lấn sàn sọ là một kỹ thuật khó, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm và tay nghề vững vàng để lấy u, kiểm soát lượng máu mất, tránh gây tai biến trong phẫu thuật.
Ngoài ra, việc đánh giá, lên kế hoạch, chuẩn bị bệnh nhân trước phẫu thuật của cả một ê-kíp là rất cần thiết, để xem xét các rủi ro liên quan đến phẫu thuật và có cách xử lý nếu có xảy ra biến chứng.
Để xử lý được các biến chứng cần trang bị đầy đủ các nguyên vật liệu cầm máu chuyên dụng ở vùng sàn sọ như Surgicel, Floseal, đốt điện lưỡng cực Bipolar hoặc miếng lắp khuyết sàn sọ, màng não nhân tạo, keo sinh học (trong trường hợp nếu có rò dịch não tủy).
Trong vòng 5 năm (2019 - 2023), tại Khoa Mũi xoang - Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, đã có 121 trường hợp u mũi xoang. Trong đó, 95 trường hợp u lành tính, 26 trường hợp u ác tính. Về phân bố các u ở sàn sọ, đa số là u sàn sọ trước với 83,5%, u sàn sọ giữa là 15,7% và u sàn sọ sau là 0,8%.
Đối với u lành tính, phẫu thuật nội soi mũi xoang cung cấp một phẫu trường rõ ràng, kiểm soát chảy máu tốt, tránh tổn thương các cấu trúc quan trọng, đặc biệt trong trường hợp có ứng dụng IGS hệ thống định vị không gian 3 chiều như màng não, ổ mắt, thần kinh và mạch máu.
TS.BS Lê Trần Quang Minh cho biết: “Các trường hợp u xương và u sợi sinh xương, thường chừa lại một lớp mỏng sát sàn sọ để tránh tổn thương màng não gây chảy dịch não tủy và các cầu trúc quan trọng khác như thần kinh thị, động mạch cảnh trong.
Với nhú đảo ngược nên lấy sạch chân u nếu có thể, đốt chân bám u sát sàn sọ bằng đốt điện lưỡng cực Bipolar để tránh gây tổn thương màng não và mài xương chân bám khối u (đảm bảo an toàn). Nếu có xâm lấn qua bao ổ mắt sẽ mời chuyên khoa Mắt phẫu thuật kết hợp”.
Đối với u ác tính, mời bác sĩ chuyên khoa Ung bướu hội chẩn, tùy thuộc vào kết quả hội chẩn để xem xét. Nếu giai đoạn u sớm có thể lấy được khối u. Với trường hợp u lớn, xâm lấn nhiều hiện tại khoa Ung bướu đề nghị mổ nội soi để giảm bớt thể tích của khối u. Bên cạnh đó sẽ phẫu thuật những khối u chưa phá hủy xương sàn sọ nhiều, chọn những khối u hủy xương sàn sọ kích thước < 1cm còn nằm ngoài màng cứng.
Về kỹ thuật lấy u, việc tạo phẫu trường rộng rãi, kết hợp với nhiều hành lang phẫu thuật (đường tiếp cận khối u), có thể giúp chia nhỏ khối u, từ đó lấy từ nơi an toàn trước đến nơi nguy hiểm sau.
Khi lấy u sẽ kiểm soát mất máu trong phẫu thuật bằng meche có tẩm Adrenaline 1/1.000, dùng surgical đặt vào để cầm máu tạm thời, đốt điện lưỡng cực bipolar. Tránh can thiệp vào màng cứng gây chảy máu dịch não tủy.
Đối với các biến chứng, tại Bệnh viện Tai Mũi Họng có 4 trường hợp chảy dịch não tủy (chiếm 8,3%). Xử trí vá rò thành công bằng phương pháp nhiều lớp (mỡ bụng, vạt niêm mạc vách ngăn, keo sinh học). 1 ca hở sàn sọ rộng đã sử dụng lấp khuyết sàn sọ bằng màng não nhân tạo, xương nhân tạo, vạt niêm mạc vách ngăn có cuống và đáp ứng thành công.
Về tái phát, có 5 trường hợp u sọ sinh xương, đây là các trường hợp xâm lấn mạnh sàn sọ, dạng tăng sinh đường cát ướt (Psammomatoid). 4 trường hợp u nhú đảo ngược, xâm lấn mạnh sàn sọ giũa, thành sau xoang trán,…
TS.BS Lê Trần Quang Minh lưu ý, nội soi mũi xoang để lấy u lành tính mũi xoang sàn sọ là một chọn lựa phù hợp. Tuy nhiên, đòi hỏi phẫu thuật viên có kinh nghiệm vững vàng, trang bị đầy đủ dụng cụ phẫu thuật nội soi hiện đại, đặc biệt là phải có hệ thống định vị không gian 3 chiều IGS và xử lý được khi có biến chứng.
Đối với các u mũi xoang ác tính, cần hội chẩn chuyên khoa Ung bướu để chọn những khối u phù hợp cho chỉ định phẫu thuật lấy u qua nội soi đường mũi.
➣Video Hội nghị khoa học 2024: Tối ưu hóa chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi - xoang thường gặp
➣Nitric oxide là một giải pháp hỗ trợ trong điều trị bệnh lý viêm mũi xoang ngày nay
➣Những điều cần lưu ý khi sử dụng histamine trong điều trị viêm mũi dị ứng cho trẻ em