Vai trò của việc rửa mũi trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tại Việt Nam

Chủ nhật, 19/09/2021, 15:43 GMT+7

Đặt vấn đề

Tình hình dịch bệnh Covid-19: kể từ đầu dịch đến tối ngày 29/08/2021 tại Việt Nam đã có hơn 435.000 ca nhiễm, đứng thứ 59/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 164/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.426 ca nhiễm). Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước gần 431.000 ca, trong đó 05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (209.921), Bình Dương (104.208), Đồng Nai (22.641), Long An (20.933), Tiền Giang (9.217). Theo tống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.309 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 10.749 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong chung của thế giới (2,1%) (1).

Trong các biện pháp phòng chống dịch covid hiện tại, đa số người dân đều quen với công tác 5K, tiêm phòng và súc họng. Tuy nhiên việc rửa mũi, từ lâu vốn đã được chứng minh hiệu quả trong điều trị hỗ trợ các bệnh lý mũi xoang – bao gồm các bệnh lý cấp tính và mạn tính, lại không được chú trọng bằng và thường bị bỏ qua vì lạ lẫm. Vùng họng nếu người dân quên súc thì có thể nhờ vào hoạt động ăn uống hằng ngày mà rửa trôi một phần vùng này. Tuy nhiên đối với vùng mũi, nếu chúng ta không rửa thì không còn cách chủ động nào để vệ sinh. Ở nghiên cứu của nhóm tác giả người Trung Quốc, họ đã phân tích tải lượng virus trong mẫu phết mũi – họng ở các bệnh nhân cho kết quả ghi nhận rằng tải lượng virus cao hơn được phát hiện ngay sau khi khởi phát triệu chứng, với tải lượng virus ở vùng mũi cao hơn ở vùng họng (15). Nói như thế không có nghĩa là bác bỏ việc súc họng, vì chỉ cần 1 trong 2 vùng vệ sinh kém đều có thể trở thành ổ chứa ban đầu của các tác nhân gây bệnh.

 

Mục đích của bài viết

Với quan điểm y học hiện đại, phòng bệnh hơn chữa bệnh, tác giả hy vọng qua bài viết này giúp mọi người có kiến thức – thái độ – thực hành tốt hơn về việc rửa mũi hằng ngày, nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phòng chống nhiễm trùng hô hấp trên nói chung và nhiễm SARS-Cov-2 nói riêng.

 

Hình 1: Cơ chế lây nhiễm và gây bệnh của SARS-CoV-2 (4).
 
 

Tổng quan

1.Cơ chế virus gây bệnh và lây bệnh

Giống như các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp nói chung, người dân có thể bị phơi nhiễm nếu hít phải các giọt bắn chứa mầm bệnh hoặc tiếp xúc gián tiếp qua tay rồi đưa vào mũi – miệng, đặc biệt là trẻ nhỏ với thói quen ngoáy mũi. Qua đó, virus có cơ hội bám dính vào lớp dịch nhầy bảo vệ phía trên bề mặt các tế bào biểu mô. Sau một thời gian chúng sẽ đi qua lớp dịch này để vào trong tế bào và tăng sinh nếu tốc độ dẫn lưu dịch nhầy sinh lý không đủ hiệu quả với tốc độ xâm nhập của virus.

Các virus sau đó sẽ phá vỡ màng tế bào bị nhiễm ra ngoài để tiếp tục lây nhiễm cho các tế bào lân cận. Khi virus xâm nhập vào các tế bào, cơ thể sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch bao gồm các tế bào miễn dịch (lympho B, T) và hệ thống bổ thể để tiết ra các kháng thể, cytokines tiêu diệt các tác nhân này. Tuy nhiên, các sinh phẩm của quá trình phản ứng này sẽ gây ra các triệu chứng bệnh biểu hiện ra ngoài như sốt, ho, chảy mũi, đau nhức cơ… Khi phản ứng quá mức sẽ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh, nổi bật nhất là tình trạng tăng đông máu gây huyết khối làm tắc mạch máu ở các cơ quan như phổi, gan, thận… Đồng thời ở người đã bị nhiễm bệnh, số lượng lớn virus ở mũi – họng nói riêng hay đường hô hấp nói chung sẽ là ổ chứa mầm bệnh. Khi người bệnh thở ra, ho, hoặc hắt hơi (đặc biệt là không đeo khẩu trang) sẽ làm phát tán ra không khí dưới dạng giọt bắn hay các hạt khí dung (aerosol) gây lây nhiễm cho người xung quanh (6).

 

 

2.Tác dụng của việc rửa mũi – súc họng

Cũng giống như ngôi nhà mà chúng ta đang ở, nếu để lâu sẽ bị bụi bám, nhờ có quét, lau nhà hằng ngày mà sạch sẽ, thoáng mát. Vùng mũi – họng cũng như thế. Mặc dù các tế bào biểu mô có lông chuyển ở mũi sở hữu cơ chế gọi là dẫn lưu dịch nhầy (mucociliary clearance) giúp giữ vệ sinh ở mức độ vi thể mà chúng ta không nhận biết rõ được. Tuy nhiên cơ chế sinh lý này phụ thuộc và thay đổi theo nhiều yếu tố như tuổi tác, nội tiết tố, thuốc, môi trường sống (ví dụ như hàm lượng khí bụi và các tác nhân sinh học).

Việc súc họng – rửa mũi đơn thuần giống như các hoạt động vệ sinh cá nhân hằng ngày như đánh răng và tắm rửa. Điều này giúp ích cả cho người chưa bị bệnh lẫn người đã bị bệnh. Cụ thể là, ở người chưa nhiễm (tuy nhiên luôn có nguy cơ phơi nhiễm như đi ra ngoài để mua các vật phẩm thứ yếu chẳng hạn thức ăn, thuốc men hay đụng chạm vào các đồ vật công cộng và kể cả nhận hàng hóa mua online hay đồ tài trợ từ các mạnh thường quân; chỉ là nguy cơ thấp hay cao chứ không phải là không có, tùy thuộc vào mức độ phòng hộ cá nhân của mỗi người), nếu lỡ bị phơi nhiễm một cách âm thầm không hề hay biết thì nhờ thói quen rửa mũi – súc họng mỗi ngày đã vô tình rửa trôi đi ít nhiều virus, vi khuẩn gây bệnh; đặc biệt là sau khi đi đến nơi công cộng chỗ đông người. Kể cả nếu chúng ta không đi ra ngoài, không có tác nhân vi sinh gây bệnh trong mũi, thì việc rửa mũi này cũng giúp làm giảm nồng độ bụi bặm, các chất gây viêm mũi dị ứng ở cả người lớn và trẻ em so với nhóm người không rửa mũi (5). Đối với những người đã nhiễm bệnh, việc rửa mũi – súc họng giúp rửa trôi, làm giảm tải lượng virus bám trên mũi – họng. Điều này cũng có tác dụng kép: thứ nhất giúp cho mau thải trừ virus, thứ hai giúp hạn chế lây lan mầm bệnh cho người xung quanh so với những trường hợp người bệnh không vệ sinh mũi – họng hằng ngày (11).

3.Các nghiên cứu về vấn đề rửa mũi liên quan đến Covid-19

Mặc dù tính đến thời điểm tháng 5/2021, trên trang của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa công nhận việc rửa mũi giúp phòng chống Covid-19(14), tuy nhiên trước đó vào năm 2020, trên tạp chí Sức khỏe toàn cầu (Journal of Global health), nhóm tác giả người Anh với loạt bài nghiên cứu của mình và các tác giả khác cho rằng việc rửa mũi và súc họng bằng nước muối ưu trương nên được xem là một phương pháp điều trị đối với Covid-19(10). Và gần đây, trên thế giới bắt đầu có các nghiên cứu rời rạc cung cấp các kết quả có chiều hướng tích cực về việc rửa mũi trong thời đại dịch Covid-19, từ khoa học cơ bản đến can thiệp lâm sàng, như sau:

  • Nước muối sinh lý có nhiều đặc tính hỗ trợ bảo vệ niêm mạc mũi – họng nói riêng và đường hô hấp nói chung trong tác dụng vệ sinh đường thở. Do đặc tính làm ướt của nước muối sinh lý, nó giúp dịch phế nang trải đều, làm giảm hạt khí dung và tải lượng virus. Nước muối sinh lý cung cấp độ ẩm cho biểu mô đường hô hấp và chất nhầy, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động “quét dọn” của lông chuyển do đó nó giúp cải thiện quá trình dẫn lưu dịch nhầy của niêm mạc đường hô hấp (13).

 

 

  • Coronavirus nói chung và SARS-CoV-2 nói riêng làm tổn thương biểu mô có lông chuyển ở mũi và đường thở. Nước muối sinh lý ức chế sự nhân lên của SARS-CoV-2 trong tế bào Vero; các tương tác có thể xảy ra liên quan đến cơ chế xâm nhập ACE2 của virus (cấu hình ACE2 phụ thuộc clorua), furin và 3CLpro (ức chế bởi NaCl), và kênh natri ENaC. Nước muối làm chuyển hoạt động của men myeloperoxidase trong các tế bào biểu mô và các thực bào sang việc tạo ra axit hypochlorous (HOCl) (9,13). HOCl là thành phần hoạt chất trong chất tẩy. Tế bào biểu mô có cơ chế miễn dịch bẩm sinh kháng virus này để ngăn nhiễm virus. Vì chất tẩy này có hiệu quả chống lại tất cả các loại virus (12). Nhóm tác giả Ramalingam và cộng sự đã thử nghiệm để xem một loạt các virus DNA, RNA, có vỏ bọc và không có vỏ bọc liệu có bị ức chế khi có sự hiện diện của các ion clorua được cung cấp qua muối (NaCl) hay không. Và kết quả là tất cả các virus họ đã kiểm tra đều bị ức chế khi có sự hiện diện của NaCl. Các loại virus ở người mà họ đã kiểm tra là virus herpes simplex (DNA/ có vỏ bọc), human coronavirus 229E (HCoV-229E), virus hợp bào hô hấp, virus cúm A (RNA/ có vỏ bọc) và coxsackievirus B3 (RNA / không vỏ bọc) (9).
  • Về mặt lâm sàng, chăm sóc đường thở ở mũi nói riêng hoặc đường hô hấp nói chung bằng nước muối sinh lý làm giảm các triệu chứng của tình trạng nhiễm coronavirus theo mùa và các virus cảm lạnh thông thường khác. Dữ liệu sơ bộ cho thấy giảm triệu chứng ở bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nếu được khởi động việc rửa mũi – súc họng bằng nước muối sinh lý trong vòng 48 giờ tính từ thời điểm bắt đầu có triệu chứng (13).
  • Những bệnh nhân bắt đầu rửa mũi bằng nước muối đẳng trương sau khi xét nghiệm PCR Covid-19 dương tính có nguy cơ nhập viện thấp hơn 19 lần so với tỷ lệ chung của quốc gia (2).
  • Rửa mũi và súc họng bằng nước muối ưu trương làm giảm thời gian bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên xuống 1,9 ngày (P = 0,01), sử dụng thuốc không kê đơn giảm 36% (P = 0,004), lây truyền những người tiếp xúc trong gia đình xuống 35% (P = 0,006) và giảm lượng virus lây lan ≥ 0,5 log10 / ngày (P = 0,04) ở nhóm can thiệp rửa mũi – súc họng khi so sánh với nhóm chứng (11).
  • Bên cạnh đó, gần đây có nhiều nhóm tác giả bắt đầu tập trung nghiên cứu về tác dụng của việc sử dụng Povidone-iodine (PVP-I) pha loãng trong dung dịch rửa mũi – súc họng đối với SARS-CoV-2 với kết quả cho thấy rằng điều này có hiệu quả trong việc bất hoạt SARS-CoV-2 ở nhiều nồng độ khác nhau từ 1% – 5% sau thời gian tiếp xúc 60 giây (8). Rửa mũi bằng dung dịch sát trùng PVP-I ở nồng độ thấp nhất là 0,5% có thể vô hiệu hóa nhanh chóng SARS-CoV-2 trong thời gian tiếp xúc ngắn nhất là 15 giây. Việc rửa mũi bằng PVP-I pha loãng đã được chứng minh là an toàn ở nồng độ 1,25% trở xuống và có thể đóng một vai trò bổ trợ trong việc giảm thiểu sự lây truyền virus bên cạnh biện pháp phòng hộ cá nhân. Không có tác dụng độc tế bào nào được quan sát thấy sau khi thử nghiệm với PVP-I được pha loãng ở nồng độ này (3).

 

 

 4.Một số lưu ý về cách rửa mũi

 

  • Về hình thức: Mặc dù kết quả nghiên cứu chưa thống nhất hoàn toàn về việc sử dụng bình bơm rửa hiệu quả hơn bình xịt rửa mũi và lọ nhỏ mũi; tuy nhiên đa số nghiên cứu được tiến hành với hình thức bình bóp bơm rửa mũi (thế tích lớn – 150 đến 250 ml, áp lực bơm rửa thấp) nên đối với người lớn, trẻ lớn (có thể nghe lời làm theo hướng dẫn của ba mẹ) thì theo tác giả nên ưu tiên sử dụng bình bóp bơm rửa mũi > bình xịt rửa mũi > lọ nhỏ mũi. Còn trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, người già hay những người không kiểm soát được hành vi của mình thì nên ưu tiên nhỏ mũi hoặc bình xịt mũi.

 

 

 

  • Về nước rửa mũi: Hiện tại đã có nghiên cứu phân tích tổng hợp vào năm 2018 cho thấy rằng rửa mũi bằng nước muối ưu trương hiệu quả hơn nước muối đẳng trương trong việc giảm các triệu chứng của các bệnh lý mũi xoang trong 3 tháng đầu, không có sự khác biệt sau thời gian 3 tháng và mặc dù không nhiều nhưng việc rửa mũi bằng nước muối ưu trương đôi khi mang lại cảm giác buốt mũi, nghẹt mũi hoặc chảy mũi sau cho người sử dụng (7). Đồng thời các nghiên cứu có kết quả tích cực về việc rửa mũi trong thời đại Covid-19 đa số dùng nước muối ưu trương trong nghiên cứu của họ. Từ những lý do trên, theo tác giả đối với người mới bắt đầu sử dụng thì nên rửa mũi bằng nước muối đẳng trương (hay còn gọi là nước muối sinh lý với nồng độ 0.9% nghĩa là có 9g muối tinh khiết trong 1 lít nước) để bớt kích ứng, quen dần có thể chuyển hẳn sang ưu trương hoặc có thể chuyển rửa mũi xen kẽ nước muối ưu trương và đẳng trương trong thời gian dài, tùy sự cảm nhận của cá nhân. Lưu ý tuyệt đối không được dùng bất kì chất nào khác để rửa mũi, nhất là các thuốc trị nghẹt mũi, vì dùng lâu dài sẽ gây tác dụng phụ nghiêm trọng, nếu có dùng phải hỏi ý kiến bác sĩ trước, đặc biệt là bác sĩ Tai Mũi Họng. Đã có trường hợp ghi nhận ba mẹ tự ý nhỏ thuốc vào mũi hoặc bơm rửa mũi không đúng cách gây đe dọa tính mạng cho con, đặc biệt là độ tuổi < 2 tuổi.
  • Rửa từng bên, nên có khoảng cách thời gian giữa 2 bên rửa mũi đặc biệt là em bé, người lớn tuổi hay người không minh mẫn.
  • Số lần rửa mũi: Đối với bình bơm rửa mũi có thể từ 1-3 lần/ ngày (các nghiên cứu đa số dùng 2 lần/ngày); đối với bình xịt mũi hoặc lọ nhỏ mũi có thể từ 2 – 5 lần/ngày, mỗi lần xịt từ 2 – 4 nhát, mỗi lần nhỏ mũi từ 2 – 8 giọt, tùy vào sản phẩm và đặc điểm bệnh nhân cụ thể.

 

 

  • Luôn đọc kĩ hướng sử dụng sản phẩm rửa mũi trước khi dùng. Đối với người già không minh mẫn, trẻ nhỏ, người lớn không kiểm soát được hành vi hoặc những người có tiền căn phẫu thuật vùng tai, mũi, vòm, sàn sọ: nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng.

 

Kết luận

Cuối cùng, tác giả xin bổ sung thêm thông điệp phòng chống dịch Covid-19 thành “5K, tiêm vaccine và rửa mũi – súc họng hằng ngày” với hy vọng nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống nhiễm trùng hô hấp trên nói chung và nhiễm SARS-Cov-2 nói riêng.

Tài liệu tham khảo

  1. Thái Bình. Bản tin tối 29/8: Thêm 12.663 ca mắc COVID-19, Bình Dương nhiều nhất với 5.414 ca. Báo Sức khỏe và Đời sống. 2021.
  2. Baxter AL, Schwartz KR, Johnson R, Rao A, Gibson RW, Cherian E, et al. Rapid initiation of nasal saline irrigation: hospitalizations in COVID-19 patients randomized to alkalinization or povidone-iodine compared to a national dataset. 2021.
  3. Frank S, Brown SM, Capriotti JA, Westover JB, Pelletier JS, Tessema BJJOH, et al. In vitro efficacy of a povidone-iodine nasal antiseptic for rapid inactivation of SARS-CoV-2. 2020;146(11):1054-8.
  4. Funk CD, Laferrière C, Ardakani AJFiP. A snapshot of the global race for vaccines targeting SARS-CoV-2 and the COVID-19 pandemic. 2020;11:937.
  5. Head K, Snidvongs K, Glew S, Scadding G, Schilder AG, Philpott C, et al. Saline irrigation for allergic rhinitis. 2018(6).
  6. Hosseini ES, Kashani NR, Nikzad H, Azadbakht J, Bafrani HH, Kashani HHJV. The novel coronavirus Disease-2019 (COVID-19): Mechanism of action, detection and recent therapeutic strategies. 2020;551:1-9.
  7. Kanjanawasee D, Seresirikachorn K, Chitsuthipakorn W, Snidvongs KJAjor, allergy. Hypertonic saline versus isotonic saline nasal irrigation: systematic review and meta-analysis. 2018;32(4):269-79.
  8. Pelletier JS, Tessema B, Frank S, Westover JB, Brown SM, Capriotti JAJE, Nose, et al. Efficacy of povidone-iodine nasal and oral antiseptic preparations against severe acute respiratory syndrome-coronavirus 2 (SARS-CoV-2). 2021;100(2_suppl):192S-6S.
  9. Ramalingam S, Cai B, Wong J, Twomey M, Chen R, Fu RM, et al. Antiviral innate immune response in non-myeloid cells is augmented by chloride ions via an increase in intracellular hypochlorous acid levels. 2018;8(1):1-11.
  10. Ramalingam S, Graham C, Dove J, Morrice L, Sheikh AJJogh. Hypertonic saline nasal irrigation and gargling should be considered as a treatment option for COVID-19. 2020;10(1).
  11. Ramalingam S, Graham C, Dove J, Morrice L, Sheikh AJSr. A pilot, open labelled, randomised controlled trial of hypertonic saline nasal irrigation and gargling for the common cold. 2019;9(1):1-11.
  12. Sattar S, Springthorpe V, Karim Y, Loro PJE, Infection. Chemical disinfection of non-porous inanimate surfaces experimentally contaminated with four human pathogenic viruses. 1989;102(3):493-505.
  13. Suzy H, Levi H, Guido VJEjocp. Essentials in saline pharmacology for nasal or respiratory hygiene in times of COVID-19. 2021:1-19.
  14. World Health Organization. Coronavirus disease (COVID-19) advice for the public: Mythbusters 5/2021 [Available from: https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019/advice-for-public/myth-busters.
  15. Zou L, Ruan F, Huang M, Liang L, Huang H, Hong Z, et al. SARS-CoV-2 viral load in upper respiratory specimens of infected patients. 2020;382(12):1177-9.

BS Nguyễn Trung Nguyên
Khoa Tai Mũi Họng – BV ĐH Y Dược TP.HCM
BS Huỳnh Khắc Cường
Chủ tịch Liên Chi hội Tai-Mũi-Họng TP.HCM

Theo Tạp chí sức khỏe

  • facebook
  • zalo
Ý kiến bạn đọc
Các tin khác

Đoàn BS Tai Mũi Họng và chuyên gia Thính Học tham quan nhà máy công ty Sonova - Nơi hiện thực hóa “giấc mơ nghe thấy” của hàng triệu người khiếm thính

Ngày 22/11/2022, đoàn Bác sĩ Hội Tai Mũi Họng TP.HCM và Hội Thính Học TP.HCM đã đến thăm quan nhà máy của công ty Sonova, chuyên cung cấp các giải pháp ...

ĐỒNG HÀNH PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19, HỘI TAI - MŨI - HỌNG TP.HCM & CÁC TỈNH PHÍA NAM: TRAO TẶNG HÀNG NGÀN SẢN PHẨM VỆ SINH MŨI HỌNG CHO CÁC BỆNH VIỆN TUYẾN ĐẦU

Nhằm hỗ trợ công tác điều trị COVID-19 và đồng hành với Thành phố vượt qua đại dịch, trong bốn  ngày 15, 17, 20 và 21/9/2021, Hội Tai - Mũi - Họng TP.HCM ...

COVID-19 – Một vũ khí sinh học tự nhiên hoàn hảo

Đại dịch Coronavirus 2019 (COVID-19) đã gây chấn động thế giới và gây ra tỷ lệ mắc và tử vong ở mức độ chưa từng có trong kỷ nguyên y học hiện đại. ...

Tổng quan về Tai Mũi Họng trong bối cảnh COVID-19

Coronavirus 2 gây hội chứng nguy kịch đường hô hấp cấp (SARS-CoV-2), lần đầu tiên được biết đến vào năm 2019, khởi đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc tháng 12/2019. ...

TƯ VẤN SỨC KHỎE QUA ĐIỆN THOẠI: CHUYÊN KHOA TAI-MŨI-HỌNG THÍNH HỌC – TIỀN ĐÌNH

Hội Tai Mũi Họng TP.HCM và các Tỉnh phía Nam chính thức khởi động Chương trình "Tư vấn sức khỏe qua tổng đài 1022 phím 5 nhánh 6: TAI-MŨI-HỌNG, THÍNH HỌC - ...

72 giờ kết nối yêu thương và lời hứa chung tay với lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch

Chỉ trong 3 ngày huy động, Hội Tai Mũi Họng TPHCM và các tỉnh phía Nam (Hội TMH) cùng với sự chung sức của các mạnh thường quân đã trao tặng nhu yếu phẩm, ...

Phòng mổ hiện đại cho phép người bệnh tận hưởng những công nghệ tiến tiến nhất

Phòng mổ được thiết kế theo tiêu chuẩn hiện đại với hệ thống dẫn truyền khí Taema của Pháp dẫn lưu khí y tế sạch, vô trùng; đồng thời hút khí mê dư ...

Bùng phát sốt xuất huyết và tay chân miệng

Theo cảnh báo của Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, từ nay đến cuối năm, nguy cơ phát sinh dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng là rất cao.