Viêm mũi dị ứng có thể gây nhiều biến chứng

Thứ bảy, 24/10/2020, 12:06 GMT+7

Viêm mũi dị ứng có thể gây biến chứng viêm xoang, viêm mũi xoang nhiễm trùng vì ứ đọng dịch tiết, viêm họng - viêm thanh quản do phải thở bằng miệng...

Thạc sĩ, bác sĩ Võ Công Minh, Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM cho biết, bệnh viêm mũi dị ứng nằm trong nhóm bệnh dị ứng gồm suyễn, nổi mề đay, chàm da. Ở vùng nhiệt đới như Việt Nam, số bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng quanh năm ngày càng tăng. Tỷ lệ viêm mũi dị ứng tăng cao ở những nước công nghiệp phát triển do ô nhiễm môi trường và sự xuất hiện những dị nguyên mới.

Chưa có số liệu thống kê nhưng số bệnh nhân viêm mũi dị ứng đang có khuynh hướng tăng dần tại TP HCM trong các năm gần đây. Những trường hợp dị ứng từ môi trường làm việc như ở các xí nghiệp da giày, cắt may, hóa chất tăng đáng kể.

Theo bác sĩ Công, viêm mũi dị ứng là những phản ứng quá mức của cơ thể, xảy ra khi hít phải vật lạ trong không khí. Bình thường khi gặp vật lạ, cơ thể sẽ có những phản ứng nhằm bảo vệ. Tuy nhiên, nếu phản ứng xảy ra quá mức, gây ra những tổn hại cho cơ thể thì gọi là phản ứng dị ứng hay trầm trọng hơn, có thể dẫn đến tử vong thì gọi là phản ứng phản vệ. 

Người bị viêm mũi dị ứng có thể sống một thời gian dài mà không có biểu hiện nào của bệnh trong khi đó các xét nghiệm lại chứng tỏ tình trạng dị ứng của cơ thể. Thế cân bằng này không ổn định và bệnh dị ứng sẽ xuất hiện khi có một số yếu tố thuận lợi như tiếp xúc quá lâu với các tác nguyên gây dị ứng, tinh thần căng thẳng, stress, yếu tố nội tiết (phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt, tiền mãn kinh, thuốc tránh thai).

Khi bị viêm họng, viêm amidan, sâu răng, viêm chân răng, viêm lợi... cần phải khám và điều trị dứt điểm để tránh bệnh trở thành mãn tính dễ gây viêm xoang về sau. Ảnh minh họa: Lê Phương.

Khi bị viêm họng, viêm amidan, sâu răng...,cần phải khám và điều trị dứt điểm để tránh bệnh trở thành mãn tính dễ gây viêm mũivề sau. Ảnh minh họa: Lê Phương.

Các loại dị nguyên gây viêm mũi dị ứng: Thường do các vật lạ bay lẫn trong không khí như phấn hoa, bụi nhà, trong đó con mạt là tác nhân chính. Nấm mốc, bụi khói công nghiệp, lông thú chó, mèo, ngựa, các loại hóa chất.

Những chất lạ trong thức ăn như sữa, trứng, các loại đậu, hải sản, các loại thuốc kháng sinh, phấn thoa, chất bôi trơn ở bao cao su, xà phòng… đều có thể gây dị ứng. Các chất này thường gây triệu chứng toàn thân hoặc ở bộ máy tiêu hóa, nhưng cũng cho những biểu hiện ở đường thở trên.

Có dị ứng hay không còn tùy thuộc vào cơ địa, tố chất di truyền của mỗi người. Tiền sử gia đình có vai trò rất quan trọng. Cha mẹ bị dị ứng có tỷ lệ con bị dị ứng cao. Phân nửa số con của cha và mẹ đều bị dị ứng sẽ bị dị ứng. Nếu chỉ cha hoặc mẹ bị dị ứng thì tỷ lệ này là 30%.

Các triệu chứng chính của viêm mũi dị ứng

- Nhảy mũi từng cơn, nhất là khi tiếp xúc với dị nguyên.

- Ngứa mũi và mắt. Có thể kèm theo ngứa tai.

- Nghẹt mũi hai bên hay đổi bên.

- Chảy nước mũi trong hay vàng đục nếu bội nhiễm.

Các triệu chứng phụ bao gồm:

- Bệnh nhân có thể bị chảy mũi sau họng, gây khịt mũi, hắng giọng và ho.

- Mũi nghẹt, phải thở bằng miệng gây viêm họng, khô họng, viêm thanh quản.

- Chóp mũi viêm đỏ và trầy da do chà xát thường xuyên vì ngứa.

- Mí mắt thường bị sưng nề, quầng thâm.

- Ở trẻ em, ít có những triệu chứng điển hình trước 2 tuổi.

- Các triệu chứng có thể xuất hiện theo thời vụ (viêm mũi theo mùa) hay liên tục (viêm mũi quanh năm).

- Khi soi mũi sẽ thấy niêm mạc mũi phù nề, mọng, có màu tái nhợt. Trong hốc mũi đầy chất tiết trong, loãng.

Điều trị và phòng ngừa viêm mũi dị ứng

Tránh tiếp xúc với dị nguyên

Cách điều trị viêm mũi dị ứng tốt nhất là tránh tiếp xúc với các dị nguyên và phòng ngừa không để các triệu chứng xảy ra.

Giữ nhà khô sạch, thoáng khí, hút bụi thường xuyên, không nuôi chó mèo, diệt chuột, gián. Cần loại bỏ nấm mốc, những con mạt, những nơi thiếu ánh sáng, giày cũ, sách báo cũ, cây cảnh, giấy dán tường, chiếu, mền, thảm trải nền nhà, các loại hoa khô.

Tăng cường sức đề kháng

- Giữ ấm: Vào mùa lạnh cần phải giữ ấm cơ thể đặc biệt khu vực vùng cổ, ngực và mũi, không nên tắm nước lạnh. Đối với những ai phải làm việc quá khuya, dậy quá sớm cần lưu ý vì thời điểm này dễ bị cảm và dễ chuyển thành viêm mũi xoang.

Tránh hít phải luồng không khí lạnh, khô một cách đột ngột, hoặc để mũi tiếp xúc với luồng gió máy lạnh, điều hòa đều có thể làm tổn thương, làm khô niêm mạc mũi xoang. Thực hiện một vài động tác giúp làm ấm vùng mũi vào buổi sáng: dùng hai bàn tay chụp lại hai bên vùng cánh mũi và miệng, tay xoa xoa tập thở ra hít vào, thực hiện như vậy chừng vài phút.

- Bảo vệ mũi khỏi các tác nhân gây dị ứng. Trong không khí chứa rất nhiều tác nhân xấu, gây kích ứng niêm mạc mũi như bụi, khí thải, vi khuẩn, nấm mốc, khói thuốc lá, hóa chất… Cần tránh và hạn chế sự xâm nhập của các yếu tố này bằng cách sử dụng khẩu trang hoạt tính khi làm việc trong môi trường độc hại, ô nhiễm khi đi ra ngoài đường.

- Vệ sinh vùng tai, mũi, họng. Đường hô hấp trên nếu không được vệ sinh sạch sẽ thì tạo điều kiện cho các vi khuẩn ký sinh sinh sống và phát triển. Vì vậy cần vệ sinh họng, răng, miệng thật tốt: hằng ngày đánh răng trước và sau khi ngủ dậy, sau mỗi bữa ăn và súc họng nước muối sinh lý. Khi bị viêm họng, viêm amidan, sâu răng, viêm chân răng, viêm lợi... cần phải khám và điều trị dứt điểm để tránh bệnh trở thành mãn tính dễ gây viêm xoang về sau.

- Uống nhiều nước: Uống nhiều nước để làm loãng chất tiết nhày, giúp dịch tiết mũi lỏng hơn, chất nhày thoát ra ngoài một cách dễ dàng hơn, tránh ứ đọng, gây viêm nhiễm.

- Sử dụng thuốc hợp lý. Không nên lạm dụng một số thuốc nhỏ mũi, xịt mũi vì có thể bị lệ thuốc, gây nhờn thuốc, nhỏ thuốc đúng liều để tránh những tác dụng phụ đi kèm. Ngoài ra những người đã bị viêm xoang mãn tính nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý và đi khám sớm khi có những nghi ngờ biểu hiện của viêm mũi, viêm xoang, viêm đường hô hấp.

- Khi bị viêm xoang, viêm mũi, bạn cũng có thể xông mũi bằng nước ấm, nước muối hoặc nước có pha một chút tinh dầu bạc hà giúp thông mũi.

Dùng nước muối sinh lý thường xuyên để rửa mũi, làm sạch niêm mạc mũi (tránh tiếp xúc lâu giữa niêm mạc mũi và kháng nguyên, bụi, hóa chất, vi trùng), giúp thông thoáng mũi, tạo điều kiện tốt cho thuốc xịt mũi tác dụng trên niêm mạc.

Giải mẫn cảm đặc hiệu

Khi thất bại trong việc kiểm soát môi trường và điều trị bằng thuốc, không dung nạp thuốc hoặc nhiều cơ quan cùng bị tác động của phản ứng dị ứng, bác sĩ sẽ điều trị bằng giải mẫn cảm đặc hiệu cho bệnh nhân.

Sau khi thử test, biết chính xác là dị ứng với loại kháng nguyên nào, bệnh nhân sẽ được tiêm dưới da hoặc nhỏ dưới lưỡi chất kháng nguyên gây bệnh với nồng độ tăng dần, làm cho cơ thể thích ứng dần với chất đó và không dị ứng nữa.

Tỷ lệ thành công của phương pháp này là 80-90%, có hiệu quả cao nhất với các trường hợp dị ứng do phấn hoa, bụi nhà và lông chó mèo. Thời gian điều trị phải kéo dài 4-5 năm mới đạt được hiệu quả mong muốn, các triệu chứng chỉ bắt đầu cải thiện rõ sau 6-12 tháng.

Vài điều cần lưu ý về viêm mũi dị ứng

-  Cách điều trị tốt nhất là phòng tránh tiếp xúc dị nguyên.

- Tốt nhất là dùng thuốc để phòng ngừa các cơn dị ứng, hơn là chữa các hậu quả của phản ứng.

- Nếu dùng corticoids thì an toàn nhất là dùng dạng thuốc phun tại chỗ.

- Đối với những bệnh nhân bị dị ứng cần phẫu thuật, nên chữa dị ứng trước mổ để đảm bảo kết quả.

- Phẫu thuật không chữa được viêm mũi dị ứng, nhưng nếu giải quyết được những lệch lạc về cấu trúc trong mũi thì rất có lợi. Có thể làm giảm 30-60% những triệu chứng của viêm mũi dị ứng do làm giảm các tác nhân gây kích ứng.

- Không phải bị nhảy mũi là bị dị ứng.

- Chỉ dùng kháng sinh trong các trường hợp bội nhiễm.

- Nếu việc chữa trị một bệnh nhân dị ứng đang tốt bỗng trở nên không hiệu quả, cần xem lại dị nguyên có bị thay đổi không, bị viêm mũi do thuốc hay bị bội nhiễm.

Lê Phương

  • facebook
  • zalo
Ý kiến bạn đọc
Các tin khác

Đoàn BS Tai Mũi Họng và chuyên gia Thính Học tham quan nhà máy công ty Sonova - Nơi hiện thực hóa “giấc mơ nghe thấy” của hàng triệu người khiếm thính

Ngày 22/11/2022, đoàn Bác sĩ Hội Tai Mũi Họng TP.HCM và Hội Thính Học TP.HCM đã đến thăm quan nhà máy của công ty Sonova, chuyên cung cấp các giải pháp ...

ĐỒNG HÀNH PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19, HỘI TAI - MŨI - HỌNG TP.HCM & CÁC TỈNH PHÍA NAM: TRAO TẶNG HÀNG NGÀN SẢN PHẨM VỆ SINH MŨI HỌNG CHO CÁC BỆNH VIỆN TUYẾN ĐẦU

Nhằm hỗ trợ công tác điều trị COVID-19 và đồng hành với Thành phố vượt qua đại dịch, trong bốn  ngày 15, 17, 20 và 21/9/2021, Hội Tai - Mũi - Họng TP.HCM ...

COVID-19 – Một vũ khí sinh học tự nhiên hoàn hảo

Đại dịch Coronavirus 2019 (COVID-19) đã gây chấn động thế giới và gây ra tỷ lệ mắc và tử vong ở mức độ chưa từng có trong kỷ nguyên y học hiện đại. ...

Tổng quan về Tai Mũi Họng trong bối cảnh COVID-19

Coronavirus 2 gây hội chứng nguy kịch đường hô hấp cấp (SARS-CoV-2), lần đầu tiên được biết đến vào năm 2019, khởi đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc tháng 12/2019. ...

TƯ VẤN SỨC KHỎE QUA ĐIỆN THOẠI: CHUYÊN KHOA TAI-MŨI-HỌNG THÍNH HỌC – TIỀN ĐÌNH

Hội Tai Mũi Họng TP.HCM và các Tỉnh phía Nam chính thức khởi động Chương trình "Tư vấn sức khỏe qua tổng đài 1022 phím 5 nhánh 6: TAI-MŨI-HỌNG, THÍNH HỌC - ...

72 giờ kết nối yêu thương và lời hứa chung tay với lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch

Chỉ trong 3 ngày huy động, Hội Tai Mũi Họng TPHCM và các tỉnh phía Nam (Hội TMH) cùng với sự chung sức của các mạnh thường quân đã trao tặng nhu yếu phẩm, ...