Hội Tai Mũi Họng TP.HCM và các Tỉnh phía Nam cùng Công ty GONSA phối hợp tổ chức Hội thảo chuyên đề:
"THẢO DƯỢC TRONG ĐIỀU TRỊ HỖ TRỢ BỆNH LÝ VIÊM MŨI XOANG"
Chương trình:
-- Quan niệm của Đông Y về bệnh lý viêm mũi-xoang
PGSTS. NGUYỄN THỊ BAY
-- Thảo dược trị liệu (Herbal Therapy) dùng trong Y Học Cổ Truyền
BS.GVC. HUỲNH KHẮC CƯỜNG
-- Xịt mũi XoangSpray điều trị viêm mũi-xoang, một hướng trị liệu mới
GS.TS. NGUYỄN HỮU KHÔI
-- Đúc kết chuyên đề
PGS.TS. ĐẶNG XUÂN HÙNG & GS.TS. PHẠM KIÊN HỮU
Đông Y trị viêm xoang
BAODANANG VN by Phan Công Tuấn Thứ Bảy, 31/10/2015, 07:21
Trước hết phải nói rõ quan điểm của chúng tôi, “Phương hay thuốc quý” cũng như các chuyên mục sức khỏe của báo chí chủ yếu để tư vấn và phổ biến kiến thức, giúp bạn đọc có định hướng đi khám và điều trị ở các cơ sở y tế đáng tin cậy chứ không làm nhiệm vụ thay thế thầy thuốc kê đơn chữa bệnh từ xa.
Cùng một bệnh viêm xoang nhưng có nhiều nguyên nhân khác nhau (do dị ứng, do nhiễm khuẩn, do nhiễm nấm, do dị dạng vách ngăn, có khi lại do hậu quả của sâu răng, nhiễm trùng răng hàm trên…); vị trí bệnh khác nhau (xoang hàm, xoang sàng, xoang trán, xoang bướm,..); giai đoạn bệnh khác nhau (cấp tính, mạn tính)…
Một bệnh có thể kết hợp nhiều nguyên nhân, mắc ở nhiều vị trí (viêm đa xoang). Đó là chưa nói đến mỗi người bệnh có cơ địa hay thể tạng khác nhau (hàn, nhiệt, hư, thực…), có nhiều bệnh kèm theo khác nhau (tiểu đường, cao huyết áp, viêm đa khớp…). Thầy thuốc chuyên khoa phải trực tiếp hỏi bệnh, quan sát, thăm khám cụ thể, nhiều khi phải cầu viện vào các phương tiện chẩn đoán cận lâm sàng soi chụp chiếu, mới có thể kê đơn điều trị chính xác. Nếu không tuân thủ nguyên tắc này, kê đơn cẩu thả rất dễ gây hậu quả “tiền mất tật mang”, thậm chí nhiều khi “trâu lành thành trâu què”…
Về phương pháp biện chứng luận trị viêm xoang (Trung y hiện đại gọi là tỵ đậu viêm, tương đương các bệnh danh tỵ uyên, não lậu… trong y văn cổ truyền), xin tham khảo 5 thể bệnh thường gặp theo Thực dụng Trung tây y kết hợp lâm sàng thủ sách.
1. Thể phong nhiệt ở kinh phế:
- Triệu chứng: Sổ mũi vàng hoặc trắng nhớt, lượng nhiều; nghẹt mũi gián đoạn hoặc liên tục, khứu giác giảm, niêm mạc trong mũi phù nề tấy đỏ, ấn đau điểm gò má và giữa hai chân mày. Kèm triệu chứng toàn thân: phát sốt, ớn lạnh, đau đầu, mệt ngực, ho, khạc đàm nhiều, chất lưỡi đỏ, rêu hơi vàng, mạch phù sác.
- Phép chữa: Sơ phong thanh nhiệt, phương hương thông khiếu.- Bài thuốc: Dùng bài Thương nhĩ tử tán (gồm Thương nhĩ tử, Bạch chỉ, Tân di hoa và Bạc hà) gia các vị Hoàng cầm, Cúc hoa, Cát căn, Liên kiều.
2. Thể uất nhiệt ở đởm:
- Triệu chứng: Sổ mũi vàng đục, đặc dính như mủ, lượng nhiều, có mùi hôi, ngửi sai mùi, niêm mạc mũi phù nề, rất đỏ. Đau đầu kịch liệt, giữa hai chân mày và gò má ấn đau rõ. Toàn thân phát sốt, đắng miệng, khô cổ, mắt mờ, tai ù tai điếc, ngủ ít, hay chiêm bao, nóng nảy dễ giận, chất lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch huyền sác.
- Phép chữa: Thanh đởm tiết nhiệt, lợi thấp thông khiếu.
- Bài thuốc: Dùng bài Long đởm tả can thang gia giảm: Long đởm thảo 9g, Sài hồ 6g, Trạch tả 12g, Xa tiền tử 9g, Mộc thông 9g, Sinh địa 9g, Đương quy vĩ 6g, Chi tử 9g, Hoàng cầm 9g, Cam thảo 6g. Sắc uống.
3. Thể thấp nhiệt ở tỳ vị:
- Triệu chứng: Sổ mũi vàng đục, lượng nhiều, chảy ròng ròng, nghẹt mũi nặng và liên tục, mất khứu giác, niêm mạc mũi sung huyết phù nề và đau tức nặng. Đau đầu chóng mặt kịch liệt, nặng đầu, mệt mỏi, căng tức khó chịu vùng dạ dày và hông sườn, ăn uống kém, nước tiểu vàng, chất lưỡi đỏ, rêu vàng nhớt, mạch nhu hoặc hoạt sác.
- Phép chữa: Thanh tỳ tả nhiệt, lợi thấp khử trọc.
- Bài thuốc: Hoàng cầm hoạt thạch thang gia giảm: Hoàng cầm, Hoạt thạch, Trư linh, Phục linh bì đều 10g, Đại phúc bì 6g, Bạch đậu khấu nhân và Thông thảo đều 3g. Nếu nhiệt nặng gia Hoàng liên, Đại hoàng, Thạch cao; nếu nghẹt mũi nặng gia Bạch chỉ, Tân di, Bạc hà. Sắc uống.
4. Thể phế khí hư hàn:
- Triệu chứng: Sổ mũi trắng dính, nghẹt mũi nặng hoặc nhẹ, khứu giác giảm, niêm mạc mũi đỏ nhạt, phù nề, vách ngăn phì đại. Gặp gió lạnh kích thích gây nghẹt mũi, sổ mũi nặng. Đầu não trướng căng, xây xẩm, mình và tay chân lạnh, hụt hơi yếu sức, ho có đàm, chất lưỡi nhạt, rêu trắng mỏng, mạch hoãn nhược.
- Phép chữa: Ôn bổ phế khí, sơ tán phong hàn.
- Bài thuốc: Dùng bài Ôn phế chỉ lưu đan (Nhân sâm, Kinh giới, Tế tân đều 1,5g; Kha tử, Cam thảo đều 3g; Kiết cánh 9g; Ngư não cốt 15g) gia Thương nhĩ tử, Tân di hoa, Bạch chỉ. Đầu trán lạnh đau gia Xuyên khung, Cảo bản. Dễ bị cảm mạo hợp bài Ngọc bình phong tán (Phòng phong, Hoàng kỳ, Bạch truật).
5. Thể tỳ khí hư nhược:
- Triệu chứng: Sổ mũi trắng hoặc vàng, đặc dính, lượng hơi nhiều nhưng không hôi, mũi nghẹt nhẹ, khứu giác giảm, niêm mạc mũi đỏ nhạt, phù nề, căng tức. Toàn thân rã rời yếu sức, ăn ít, bụng đầy, phân nhão, sắc mặt vàng úa, chất lưỡi nhạt, rêu trắng mỏng, mạch hoãn nhược.
- Phép chữa: Kiện tỳ ích khí, thanh lợi thấp trọc.
- Bài thuốc: Dùng bài Sâm linh bạch truật tán (Nhân sâm, Bạch truật, Bạch linh, Cam thảo, Sơn dược,. Biển đậu, Liên nhục, Ý dĩ, Sa nhân, Kiết cánh ) gia Bắc Hoàng kỳ, Trạch tả. Hoặc dùng bài Bổ trung ích khí thang (Chích Hoàng kỳ, Nhân sâm, Đương quy thân, Bạch truật, Chích thảo, Trần bì, Sài hồ, Thăng ma) gia Mộc thông, Trạch tả.